Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Tập 2
Nội dung sách
Nguyễn Ðình Chiểu không chỉ là nhà văn hóa lớn tiêu biểu của đất Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Nguyễn Đình Chiểu tục gọi là Cụ Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Thời thơ ấu, được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông cũng sớm gặp gian truân. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, ra công đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu trở ra kinh đô Huế ứng thí, nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định.
Vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt, dù được chữa trị, nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa. Không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, giữ tròn chữ trung, chữ hiếu, mà hai câu thơ: “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ” đã nói lên tất cả. Ông mất vào ngày 3/7/1888, được an táng tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương. Sự nghiệp văn chương của Cụ, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, các bài văn tế, thơ điếu, thơ luật Đường. Nói đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu thì phải nói đến truyện thơ Lục Vân Tiên, là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác. Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung - hiếu - tiết - nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ.