Loading...
Thứ Sáu, 23/5/2025

9X mong mang nắng về làng gốm Lái Thiêu xưa

Nhóm thợ vẽ của Nắng chủ yếu là các bạn gen Z cùng chung đam mê về văn hóa truyền thống và muốn phục dựng những giá trị cũ với hình thức sáng tạo hơn.

Trong ký ức của Huỳnh Xuân Huỳnh - anh bạn sinh ra và lớn lên tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), bữa cơm gia đình ấm áp không thể thiếu những bộ chén dĩa bằng gốm sứ xưa với họa tiết truyền thống.

Càng lớn, anh chàng sinh năm 1998 nhận ra chợ quê mình dường như không mấy ai bán những bộ chén dĩa như thế nữa. Lúc mới lên Sài Gòn học đại học, Huỳnh cũng cố lân la đi tìm nhưng lại lần nữa thất vọng vì nhiều nơi đều lắc đầu khi anh hỏi thăm.

Trăn trở với dòng gốm Lái Thiêu xưa

Một lần tình cờ Huỳnh mua được vài cái chén ở cầu Ông Lãnh. Hỏi thăm nguồn gốc, người bán nói đó là gốm Lái Thiêu, nên Huỳnh quyết định phải đi xuống đó một chuyến. Khác với tưởng tượng về một làng gốm, đến nơi anh hầu như không thấy cái lò nào. Hỏi một hồi, người dân chỉ Huỳnh tìm đến khu Tân Uyên và chợ Búng.

Cũng còn một vài lò, nhưng thay vì làm đủ các sản phẩm, mỗi nơi người ta chỉ làm một sản phẩm riêng như chén hoặc tô, dĩa. Mà những mẫu chén xưa cũ như chén ông tiên, chén trúc lâm thất hiền được làm khá sơ sài.

Người ta nói chén làm ra không dùng để ăn mà được mua về đập vụn để khảm mosaic! Một chút tiếc nuối về dòng gốm truyền thống của bà con Nam Bộ. Có thể phục hưng nghề gốm đang dần vào quên lãng này không? Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong đầu Huỳnh.

Vì sao lại là Nắng ceramics? Xuân Huỳnh cười, kể rằng đó là ngày bạn ghé lò gốm tìm hiểu cách vẽ hoa văn, trời không có nắng. Chờ đến tận 14h, thợ cũng không qua lò, vì gốm chưa khô, không thể vẽ được. Hóa ra ngoài các yếu tố về đất, lửa, gió thì nắng cực kỳ quan trọng đối với nghề gốm truyền thống.

"Tôi quyết định đặt tên Nắng, cũng có thể hiểu là sự tươi mới, khởi đầu mới cho làng nghề đã cũ" - Huỳnh nói.

Xuân Huỳnh học thiết kế công nghiệp, lại từng được người nhà dạy nấu ăn, cũng có những tiêu chuẩn nhất định khi bài trí món ăn. Anh chàng có thể thao thao bất tuyệt về sự tinh tế của một món ăn quê. Chẳng hạn cá lóc nướng trui phải dùng lá chuối để làm bật lên màu sắc, hương vị hay canh chua cũng có nhiều loại khác nhau khi nấu với bông điên điển, bông súng, rau muống sẽ phải nêm các gia vị khác nhau vậy.

"Dĩa ảo sẽ dùng cho món kho lạt vốn cho nhiều nước để chấm rau ăn. Loại tô ăn bún riêu cần có thành tô cao hơn để giữ nhiệt, trong khi tô ăn bún mắm lại cần độ bẹt hơn để tỏa nhiệt, tỏa hương và bỏ nhiều rau vào ăn kèm" - Huỳnh nói như một chuyên gia.

Mong chung tay phục dựng nghề gốm

Hiện sản phẩm của Xuân Huỳnh chủ yếu là các loại tô, chén, dĩa phục vụ trên bàn ăn, cùng sản phẩm trang trí như khạp đựng gạo, bình hoa, khay mứt vừa có thể trang trí vừa thuận tiện sử dụng. Anh bạn nghiên cứu kỹ các loại hoa văn truyền thống, kết hợp chứ không sao chép nguyên mẫu, bên cạnh tìm tòi các loại hoa văn mới.

Nhóm thợ vẽ của Nắng chủ yếu là các bạn gen Z cùng chung đam mê về văn hóa truyền thống và muốn phục dựng những giá trị cũ với hình thức sáng tạo hơn. Trước một đề bài thiết kế hoặc một mẫu hoa văn, các bạn thường biến tấu hoặc đưa cá tính vào, tạo ra các sản phẩm mang phong cách trẻ trung, mới mẻ hơn. Trong nhóm có bạn đến từ miền Bắc chính là người đã sáng tạo ra hoa văn cúc họa mi trên sản phẩm.

Những loại hoa văn truyền thống phù hợp với xu hướng hiện nay sẽ được giữ lại. Đồng thời tìm ra những màu men mới như mạ non, xanh lam để sản phẩm phù hợp với những gia đình có kiến trúc hiện đại.

Bốn người thợ truyền thống của Nắng lớn tuổi hơn đảm nhận công đoạn đặc thù như tạo hình sản phẩm, nhúng men hoặc xếp lò. Họ có lợi thế về kỹ thuật truyền thống, giúp tạo ra các sản phẩm thủ công đặc trưng của gốm Lái Thiêu thay vì mang lại cảm giác "công nghiệp" hay bị lẫn với các dòng gốm khác.

Xuân Huỳnh còn tham vọng lan tỏa nét đẹp của gốm sứ Việt Nam đến du khách quốc tế, nên thiết kế phom dáng riêng dành cho khách hàng Việt và khách nước ngoài. Mỗi sản phẩm được làm ra hoàn toàn thủ công, vẽ tay từng cái và nung củi. Nhiều người khuyên thay bằng lò gas, nhưng nung lò củi vốn là nét rất đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Đó là giá trị truyền thống phải giữ gìn.

Sản phẩm thủ công nổi bật bởi cái hồn trong từng đường nét, thay vì tạo ra các sản phẩm có sự đồng nhất mang tính công nghiệp. Và chúng được quảng bá ở nhiều sự kiện khác nhau, mang đến cả triển lãm mỹ thuật.

"Tôi còn nghĩ tới các workshop ngay tại lò gốm nhằm giúp khách tham quan trải nghiệm một ngày ở lò gốm truyền thống Lái Thiêu sẽ thế nào" - Huỳnh nói.

Kỳ vọng sự hỗ trợ từ địa phương

Có nhiều khó khăn khi Huỳnh bắt tay thực hiện dự án này. Là dòng gốm truyền thống nên dù tạo mẫu mã mới trong quá trình thiết kế nhưng buộc phải tuân thủ những nguyên tắc, không để sản phẩm vượt ra khỏi ranh giới của gốm Lái Thiêu.

Giai đoạn đầu còn không tìm được đầu ra cho sản phẩm, cho đến khi cả nhóm tìm đến quảng bá trên mạng xã hội. Giờ thì Nắng ceramics đã tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn trên các nền tảng Facebook, Instagram hay TikTok.

Điều khiến Huỳnh trăn trở là bị sao chép mẫu mã, hạ giá thành dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm và khiến người tiêu dùng quay lưng, nghề gốm thủ công suy thoái. Nhiều gia đình truyền thống làm nghề nhưng nay con cái không ai theo nữa vì vất vả trong khi nghề gốm Bình Dương phù hợp để phát triển du lịch truyền thống như làng gốm Bát Tràng.

"Rất cần sự ủng hộ của địa phương để những người làm nghề gốm truyền thống tự tin phát triển. Chưa kể cần liên kết thay vì giẫm chân nhau hay cạnh tranh không lành mạnh càng làm cho làng nghề suy thoái" - Huỳnh chia sẻ.

 
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tin liên quan

Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa

Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào nam kinh lược, “ lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn…” đến nay đã hơn 300 năm. Ba trăm năm với bao biến cố thăng trầm, dấu tích của Sài Gòn xưa đã dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. “Vật đổi sao dời”, đây đó còn lưu lại một vài ngôi đình, chùa miếu, lăng mộ … đã qua sửa chữa tu bổ nhiều lần dù có làm mất dần nét cổ kính nhưng phần nào còn thể hiện sự lưu tâm gìn giữ. Lần theo sử sách và một vài dấu tích, chúng tôi đi tìm lại một “Sài Gòn Xưa” lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là một làng nghề nổi tiếng đã từng góp phần cho sự phát triển của vùng đất này: Xóm Lò gốm.
Xem chi tiết

"Vương quốc đỏ"

Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long từ hàng nghìn năm qua đã được bồi đắp bởi lớp phù sa màu mỡ, đỏ ối đến từ dòng sông mẹ Mekong. Những lớp phù sa ấy không chỉ nuôi dưỡng cây trái trĩu cành mà còn ban tặng cho người Vĩnh Long cái “mỏ vàng” là đất sét đỏ – nguyên liệu chính để làm nên các sản phẩm gạch ngói và gốm. Ấy cũng là lý do vì sao người ta thường gọi Vĩnh Long là “Vương quốc đỏ”.
Xem chi tiết

Gốm đỏ Vĩnh Long - vẻ đẹp bình dị được tạo tác bởi đôi bàn tay tài hoa

Nói đến gốm sứ Nam Bộ, người ta đã quá quen với các sản phẩm gốm sứ được tráng men bóng loáng và điểm tô họa tiết tinh tế của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; song những năm gần đây, với những nỗ lực của bà con tỉnh Vĩnh Long, người ta đã dần quen mặt hơn với cái tên “gốm đỏ Vĩnh Long”.
Xem chi tiết

Gốm mỹ nghệ Biên Hoà

Gốm Biên Hòa (còn gọi là gốm Đồng Nai) là dòng gốm mỹ nghệ nổi tiếng, phát triển mạnh từ những năm 1923 đến đầu những năm 1960. Ra đời từ trường Mỹ nghệ Biên Hòa và do hai vợ chồng ông bà Robert Balick khai sinh ra trường phái gốm mỹ nghệ này.
Xem chi tiết