Loading...
Chủ Nhật, 08/10/2023

“Ông già Nam Bộ” Sơn Nam: Cuộc đời và tác phẩm

Nhà văn Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Nhà văn Sơn Nam là ai?

Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, còn được biết đến với bút danh Phạm Sào Nam, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.

Trong thời niên thiếu, ông học tiểu học tại quê nhà và sau đó tiếp tục học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong và tham gia vào các hoạt động địa phương. Sau đó, ông tham gia vào công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu và phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời kỳ này để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm trong thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer và Nam đánh dấu nguồn gốc phương Nam của ông).

son-nam-1

Cuộc đời của nhà văn Sơn Nam

Sự nghiệp sáng tác

Sơn Nam bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng hai tập thơ, Lúa reo (1948) và Cho lòng em vui (1950 - viết về công tác địch vận), được xuất bản bởi Hội Văn hóa kháng chiến Kiên Giang trong chiến khu. Tuy nhiên, sau đó, ông nhận ra mình có năng khiếu viết truyện hơn là thơ, và dừng lại với sáng tác thơ. Trong khoảng thời gian 1951-1952, ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn do Ủy ban Kháng chiến - hành chính Nam Bộ tổ chức với hai tác phẩm là Bên rừng cù lao Dung và Tây đầu đỏ.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Sơn Nam là một trong những nhà văn gốc Nam Bộ duy nhất được Trung ương mời đến khu vực Bắc để sinh sống và viết, nhưng ông đã quyết định trở về Rạch Giá. Năm 1955, ông đến Sài Gòn và cộng tác với nhiều báo và tạp chí như Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, và Lẽ sống...

Trong thời gian 1960–1961, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam tại nhà tù Phú Lợi. Sau khi ra tù, ông tiếp tục sự nghiệp văn chương và văn hóa, khảo cứu về văn hóa và con người Nam Bộ. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện tình yêu và sự kỳ vọng vào vùng đất này, qua lối viết đơn giản, mộc mạc. Nhờ sự đóng góp to lớn trong việc khảo cứu và sưu tầm văn hóa miền Nam, ông được biết đến với biệt danh như "ông già Nam Bộ", "ông già đi bộ", "pho từ điển sống về miền Nam", hoặc "nhà Nam Bộ học".

son-nam-2

Sau năm 1975, ông tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2003, toàn bộ tác phẩm của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua tác quyền trọn đời.

Ông qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà văn có cuộc sống bình dị

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức ghi lại: "Có lần tôi hỏi ông về cách làm việc để có được những cuốn sách về miền Nam, về văn minh miệt vườn… Ông bảo lúc còn khỏe mạnh thì cứ sáu tháng lại đi rong khắp Nam bộ như cách mà sau này gọi là "xâm nhập thực tế", "đi điền dã", còn sáu tháng thì ông vào thư viện, văn khố tìm kiếm, tra cứu"...

Nhà báo Lê Minh Quốc khẳng định: "Sơn Nam là một nhà văn tiêu biểu của Nam bộ, và cũng là của dân tộc Việt Nam; mặc dù ông từ chối và "bỏ lỡ" những giải thưởng và sự vinh danh, nhưng Sơn Nam là duy nhất không ai thay thế được."

son-nam-3

Ông Đào Tăng - một nhà báo tự do, một người bạn cùng luống tuổi đã được sống một thời gian dài cùng nhà văn Sơn Nam: “Ông Sơn Nam đọc rất nhiều, đọc đủ thứ, nhưng nhiều nhất là sách về văn hóa – xã hội, sách danh nhân, địa chí phong tục… Đọc nhiều vậy, nhưng ổng viết không nhiều. Đều là những chắt lọc. Sơn Nam xuất thân học trường Pháp rồi đi làm thư ký cho hãng buôn của Pháp ở Sài Gòn nên ổng rất giỏi tiếng Pháp. Ổng ăn nói lưu loát, hiểu biết phong phú. Ai hỏi cái gì về Nam Bộ, ổng cũng trả lời được. Sơn Nam không làm thơ, nhưng có một bài thơ của ổng rất nổi tiếng. Sơn Nam rất trân trọng văn chương, chỉ thích nói chuyện về văn chương, tuyệt đối không nói những chuyện khác, đặc biệt là chuyện đời tư cá nhân của người khác. Ngồi với ông ai mà nói về văn chương thì ổng lắng nghe, còn hễ nói tới chuyện gì khác là ổng kêu lên: “Ôi, hơi đâu”… rồi đứng dậy, bỏ đi liền. Cả đời ổng không khen ai cũng không chê ai bao giờ. Ổng rất ghét những người ba hoa, dối trá”.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam

Bà chúa hòn (bìa mềm)

"HÀ TIÊN LÀ TỈNH XA XUÔI NHỨT của miền Nam thời xưa cũng như thời nay nếu ta lấy Huế hoặc Saigon làm tiêu chuẩn. Khác với vùng sình lầy mũi Cà Mau, Hà Tiên có khung cảnh khá ngoạn mục, trong đất liền là đồi núi trùng điệp, ngoài biển là năm bảy chu4c hải đảo lớn nhỏ, Hà Tiên còn là nơi ‘‘ba biên giới’’: Việt Nam, Cao Miên và vượt qua eo biển là đến Thái Lan . Mỗi ngọn đồi, mỗi hải đảo đều có một ông Chúa hay bà Chúa thống trị, khi chết, các ông bà này được tôn thờ trong miếu nhỏ, giống như trường hợp mấy ông Thành Hoàng. Lẽ dĩ nhiên các ông bà đều là người phàm mắt thịt, nhờ mưu mô, nhờ tài kinh doanh mà gây được thế lực với đám dân chúng ở xung quanh. Vài ông bà Chúa nếu còn sống đến năm nay chỉ độ non trăm tuổi, bởi vậy thành tích của họ còn được nhắc nhở tỉ mỉ với bao nhiêu tánh tốt và thói xấu."

(Sơn Nam)

son-nam-4

Tập sách sang trọng với trang giấy trắng như những hiện vật quý giá dành riêng cho những người yêu thích tài năng văn học của nhà văn Sơn Nam, ông già với giọng văn đặc sắc từ miền Nam Bộ. Trong từng trang của Bà Chúa Hòn, ta cảm nhận được không khí của một khu vườn tươi mát, lịch sử hiện hữu và mỗi lần đọc lại là sự mê mải tăng lên không ngừng.

Dạo chơi tuổi già: Ghi chép

“… Ở độ tuổi 70, ông – già – đi – bộ Sơn Nam không chỉ in dấu chân mình loanh quanh vùng đất đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ mà còn vươn rộng, vươn xa hơn. Ông đến với Hà Nội dự Hội nghị nhà văn trẻ, đặt chân lên đền Hùng, đất Tổ, ra cố đô Huế rồi lại xuôi Nam trên con đường vạn dặm.

Những chuyến đi ở tuổi già như một cuộc dạo chơi dài không ít thú vị mà cũng nhiều suy ngẫm. Những vùng đất ông đặt chân đến mới lạ mà thân quen, gần gũi biết bao. Đó là nơi chốn quê nhà trong hằng tưởng của người đi mở đất xa xưa. Với ông còn là sự kiểm nghiệm những điều được đọc, được nghe qua sách vở, qua giao tiếp mà ông đã dành gần cả cuộc đời nghiên cứu tìm tòi, học hỏi. Ông – già – đi – bộ - không – mệt – mỏi Sơn Nam đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về đất và người nơi mình từng qua, từng biết, từng thấy, từng nghe trong hai tập sách mỏng: Dạo chơi và Tuổi già… Nó là tiếng lòng của nhà văn với cuộc đời ở độ tuổi 70. Hai tập sách mỏng là một mạch những suy nghĩ của ông về cuộc đời, con người, về nghề nghiệp…”

son-nam-5

Đây là tập sách tái bản, đã được chỉnh sửa và bổ sung từ hai tập sách mỏng: "Dạo chơi" (NXB Trẻ, 1994) và "Tuổi già" (NXB Văn Học, 1997) của nhà văn Sơn Nam. Dạo chơi tuổi già được NXB Trẻ cho ra mắt bạn đọc để mừng nhà văn bước vào tuổi 80 với niềm mong ước ông còn tiếp tục dạo chơi để góp nhặt cho đời những hương hoa cuộc sống đang tiềm ẩn đâu đó quanh đây.

Tìm hiểu đất Hậu Giang, lịch sử đất An Giang

"Miền Hậu Giang là miền đồng bằng, rất rộng ở về phía Nam con sông Hậu. Con sông này là chi nhánh của sông Cửu Long chảy từ Nam Vang xuống nước ta, hướng Tây Bắc - Đông Nam. Từ biên thùy Cam-bốt đến cửa biển, sông dài độ hai trăm hai mươi cây số. Nếu ta lấy bản đồ mà kẻ hai con đường thẳng thước thợ tới sông Hậu thời con đường ngắn nhất là từ Long Xuyên đến Rạch Giá, dài độ sáu mươi cây số và con đường dài nhất đi qua Ba Xuyên và An Xuyên dài độ một trăm sáu mươi cây số.

Không cần phải đo diện tích thời miền Hậu Giang là một phần ba đất Nam. Toàn là đồng bằng rất thấp, trừ mấy ngọn đôi ở An Giang và Hà Tiên nổi lên như để làm cảnh. Trừ Ba Xuyên và An Xuyên, tức là miền Bạc Liêu và Cà Mau trước thời một phần ba là bùn lầy, đây rừng, nhung nhúc những rắn."

(Sơn Nam)

son-nam-8

Tìm hiểu về đất Hậu Giang là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Sơn Nam về vùng đất mà ông sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Hậu Giang là một vùng đất nằm dọc theo bờ sông Tiền, nơi tập trung cả văn minh miệt vườn và văn minh miệt thứ. Vùng đất tiềm năng với sự phát triển và khai phá đáng kể từ cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX.

An Giang, một tỉnh nằm trong vùng Hậu Giang, nơi hội tụ đầy đủ các đặc điểm địa lý của vùng này. Hiểu về lịch sử của An Giang cũng đồng nghĩa với việc hiểu thêm về một phần của lịch sử đất nước, với những biến cố, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và tính cách của con người Nam Bộ đặc trưng trong vùng này.

Vạch một chân trời, chim quyên xuống đất

"Năm 1830...

Đất Rạch Giá chỉ là vùng rừng rậm hoang vu. Xen vào đó là những sông ngòi chằng chịt, những lung bầu sinh lầy. Dân chúng đa số người Miên thường bơi xuồng theo mé sông để với sáp ong. Ong làm tổ trắng, lốm đốm khắp rừng tràm. Ổ quá to rớt xuống trôi lềnh bềnh theo dòng sông. người ăn ong cứ vớt đem về."

(Sơn Nam)

son-nam-7

Vạch một chân trời là câu chuyện diễn ra vào giữa thế kỷ XIX ở vùng U Minh - nơi cuối trời Tổ quốc. Những người nông dân chân chất với mong muốn tìm thấy kho tàng của quan quân chúa Nguyễn trên đường bôn tẩu đã tìm đến đất U Minh. Ở đó họ đã phát hiện những bí mật tiềm ẩn trong lòng U Minh.

Giữa thế kỷ XX là thời điểm của Chim quyên xuống đất. Đó là câu chuyện về một thanh niên có học, tròn 20 tuổi vào những năm đầu của thập kỷ 40, tham gia truyền bá quốc ngữ ở vùng U Minh nay đã đông người. Thông qua câu chuyện, ta hiểu thêm rằng để nhận chân được giá trị cuộc sống con người phải trải qua gian khổ, hy sinh như thế nào.

Nhà xuất bản Trẻ tái bản Vạch Một Chân Trời - Chim Quyên Xuống Đất của tác giả Sơn Nam với mong muốn thông qua tác phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm về đời sống của những người đi trước, của thế hệ trước đã tạo dựng nên một chân trời mới cho sự quần cư của người mở đất. Và từ đó thế hệ nối tiếp thế hệ, gìn giữ và phát huy những cái vốn đã trở thành tài sản, truyền thống của lưu dân, của dân tộc ở miền đất phía Nam Tổ quốc.

Lịch sử khẩn hoang Miền Nam

Lịch sử khẩn hoang miền Nam là tập sách biên khảo về quá trình chinh phục thiên nhiên, thuần hoá đất đai, lập làng dựng nghiệp đầy khó khăn, thử thách của các cư dân Việt trên vùng đất mới. Vùng đất mà mỗi khi nhắc đến người ta vẫn thường liên tưởng tới hai câu thơ:

Đến đây xứ sở lạ lùng/

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

hay

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/

Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp um.

son-nam-6

Bằng kinh nghiệm sống, ưu thế tìm tòi, chắt lọc từ trong vốn tư liệu quý của dân tộc nhà văn Sơn Nam đã tìm ra lối dẫn đưa chúng ta về với cội nguồn, quá trình thiên di, sinh cơ lập nghiệp của lưu dân Việt trong suốt ba thế kỷ qua. Đồng thời mở ra hướng tiếp cận về con đường mở nước và dựng nước của dân tộc ta ở vùng đất mới Nam Bộ.

Đồng bằng sông Cửu Long, Ménam và Irraouaddi là ba trung tâm sản xuất lúa gạo, có dư để xuất cảng, quan trọng nhứt trên thế giới. Việt Nam, Xiêm, Miến Điện gồm đa số dân sống bằng nghề nông. Ba quốc gia này liên ranh, nằm trong khu vực gió mùa với những nét  lớn giống nhau :

— Lãnh thổ phát triển lần hồi từ Bắc xuống Nam.

— Biết làm ruộng cấy ở đồng sâu, nhờ đó mà sản lượng đạt mức cao so với ruộng tỉa ở  đất khô.

— Mức sống thấp kém.

Nam tiến không phải là mãnh lực huyền bí của riêng dân tộc Việt Nam. Những dân tộc chịu ảnh hưởng ấn độ vẫn đạt được kỹ thuật cày sâu cuốc bẫm không kém nước ta. Việc tôn thờ rắn thần và rồng để cầu mưa, vài môn giải trí như thả diều, trai gái đối đáp nhau nào phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Dân Việt gặp dân Miên vốn có nền văn hóa cổ kính khá cao. Vào thế kỷ 13, người Miên đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong một năm. Cuộc Nam tiến của người Xiêm, người Miến Điện gặp hoàn cảnh khá tốt về địa lý, hai con sông Ménam và Irraouaddi thuận lợi cho việc thông thương, trong khi Hồng Hà và sông Cửu Long có nhiều thác đá. Từ hạ lưu sông Hồng, dân Việt len lỏi theo mấy cánh đồng nhỏ bé dọc theo bờ biển Đông nhiều giông tố để lần hồi đến hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu Long.

(Sơn Nam)

Tin liên quan

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển: Cuộc đời, sách và các di sản thời đại

Vương Hồng Sển (bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Xem chi tiết

6 tác phẩm văn học không thể bỏ qua của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nhà văn Hồ Biểu Chánh là cha đẻ của hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác. Ông nổi tiếng với việc viết văn xuôi tự sự, với chủ đề chính xoay quanh cuộc sống ở Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị vào những năm đầu của thế kỷ 20. Sau đây là các tác phẩm văn học không thể bỏ qua của ông
Xem chi tiết