Loading...
Thứ Sáu, 06/10/2023

6 tác phẩm văn học không thể bỏ qua của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nhà văn Hồ Biểu Chánh là cha đẻ của hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác. Ông nổi tiếng với việc viết văn xuôi tự sự, với chủ đề chính xoay quanh cuộc sống ở Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị vào những năm đầu của thế kỷ 20. Sau đây là các tác phẩm văn học không thể bỏ qua của ông

Đôi nét về nhà văn Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh (tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh) sinh năm 1884 và qua đời vào năm 1958. Ông là một tác giả tiên phong của miền Nam Việt Nam trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20. Nhà văn Hồ Biểu Chánh lớn lên từ một gia đình nông dân và thuở nhỏ, ông học chữ Nho truyền thống trước khi chuyển sang học quốc ngữ. Ông tiếp tục học tại các trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, ông thi đỗ Thành chung và bắt đầu sự nghiệp trong ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ. Ông đã làm nhiều công việc trong chính quyền và thăng tiến đến đốc phủ sứ vào năm 1936, đồng thời giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông được biết đến với danh tiếng thanh liêm, lòng yêu dân, và tình thương người nghèo.

ho-bieu-chanh

Tháng 8 năm 1941, sau khi về hưu, ông được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn. Ông cũng giữ chức vụ giám đốc các tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa Pháp-Việt. Sau khi Nam Bộ bị tái chiếm vào năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ ra đời và ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh bị sụp đổ, ông rút về quê hương để ẩn náu và tận hưởng sự yên bình của cuộc sống nghệ thuật.

Ông và vợ có tổng cộng 9 người con, gồm 5 trai và 4 gái. Con trưởng của ông, Hồ Văn Kỳ Trân, đã trở thành một nhà báo và là một trong những Dân biểu đại diện cho Việt Nam Cộng hòa. Người con thứ 7 của ông là Đại tá Hồ Văn Di Hinh, người đã từng giữ chức vụ Thị trưởng thành phố Đà Lạt. Cháu nội của ông, Hồ Văn Kỳ Thoại, đã làm Phó Đề đốc Hải quân trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhà văn Hồ Biểu Chánh qua đời vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định, thọ 73 tuổi. Mộ ông hiện nay nằm tại đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp.

Sự nghiệp sáng tác của Hồ Biểu Chánh   

Trong sự nghiệp văn chương, ông đã chọn bút danh Hồ Biểu Chánh, một bút danh trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn cả tên thật của ông, Hồ Văn Trung. 

Ông là một nhà văn đa tài và để lại cho chúng ta hơn 100 tác phẩm đa dạng, bao gồm tiểu thuyết và nhiều thể loại khác như nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng với các tác phẩm dịch văn học cổ điển Trung Quốc như "Tình sử" và "Kim cổ kỳ quan." Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn, bao gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu và phê bình. Ngoài ra, ông còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch. Đóng góp của ông là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. 

ho-bieu-chanh-bo-vo

Những nét hành văn đặc sắc trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh nổi tiếng với việc viết văn xuôi tự sự, với chủ đề chính xoay quanh cuộc sống ở Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị vào những năm đầu của thế kỷ 20. Ông đã miêu tả một cách tự nhiên và bình dị, thể hiện những xáo trộn xã hội trong cuộc đấu tranh giữa tiến bộ và cổ điển. Phong cách viết của ông đơn giản, dễ tiếp cận và đã đóng góp quan trọng vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam. Các tiểu thuyết của ông thường nằm trong giai đoạn đầu của văn học chữ quốc ngữ, với cốt truyện đơn giản và triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, làm điều tốt sẽ nhận được đền đáp tốt. Điểm đặc biệt của tác phẩm của ông là chúng rất Nam Kỳ, từ ngôn ngữ sử dụng đến cách miêu tả con người. Ông cũng đã phóng tác một số tiểu thuyết Pháp.

ho-bieu-chanh

6 tác phẩm văn học không thể bỏ qua của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Vì nghĩa vì tình

“Vì nghĩa vì tình” như chính tên gọi của nó cho chúng ta thấy được nhân nghĩa và tình cảm ở đời. Vì một chữ tình nên sanh ghen rồi vô tình khiến mẹ phải lìa con, chồng lìa vợ, gia đình ly tán. Mẹ khóc hết nước mắt vì mất con nên lúc tỉnh lúc dại. Chồng vì nỗi vợ không tha thứ nên u uất, thối chí. Con vì cha nên sống cảnh cơ hàn, sống đời lang bạt, đói cơm rách áo… Và vì một chữ nghĩa để rồi cuối cùng mẹ lại được gặp con, chồng lại được gần vợ, trẻ con hết sống cảnh côi cút, bơ vơ, nhà cửa coi hực hỡ mà mặt ai nấy đều vui vẻ, hớn hở lắm.

ho-bieu-chanh-1

Kẻ làm người chịu

Lời tựa

"Cai tổng Hiền vốn nhà nghèo, đi làm mướn lấy được con gái của chủ, lại nhờ mưu mô, trở nên giàu có, mua chức làng, thành cai tổng. Vợ chồng cai tổng Hiền sanh được hai con: Tố Nga và Chánh Tâm. Cai tổng Hiền bị bịnh mất, Tố Nga lấy Phùng Xuân theo lời mong muốn của cha, nhưng ở với chồng được mấy tháng, Tố Nga không chịu được tánh cờ bạc, hút xách của chồng nên bỏ về nhà mình.

Chánh Tâm lên Sài Gòn học. Bà cai tổng Hiền và Tố Nga cũng dọn lên Sài Gòn ở cho gần con trai và anh. Từ Mỹ Tho, thỉnh thoảng Phùng Xuân gặp Tố Nga để bòn tiền. Trong thời gian sống ở Sài Gòn, Tố Nga quen thân với một cô gái tên Cẩm Vân. Chánh Tâm gặp Cẩm Vân, yêu nàng và xin cưới làm vợ. Bà Cai tổng lúc đầu do dự vì nàng là con của một người khách trú, nhưng sau cũng bằng lòng. Chánh Tâm và Cẩm Vân sống với nhau rất hạnh phúc.

Chánh Tâm thi rớt, bị bạn bè coi thường, quyết tâm sang Pháp học cho đậu tú tài. Tố Nga quen Lư Trọng Quí. Hai người yêu nhau. Tố Nga có thai và xin ly dị với chồng. Nhưng Phùng Xuân biết được chuyên, không chịu ly dị để tiếp tục bòn rút tiền bạc của gia đình vợ.

Chánh Tâm đậu xong tú tài ở Pháp về nhà, tình cờ bắt được lá thư của Trọng Quí..."

(Hồ Biểu Chánh)

ke-lam-nguoi-chiu

Con nhà nghèo

Trích đoạn

"... Cái kiếp con người rõ ràng là kiếp khổ não, còn cái thú giàu sang chưa ắt là thú thanh cao. Vì cớ nào trên mặt đất nầy người ta lại tranh nhau đeo đuổi mùi phú quý, làm chi để đến nỗi nhơ nhuốc cũng chịu, ác nghiệt cũng làm, cực khổ buồn rầu, đắng cay khóc lóc.

Chịu làm chi vậy? Làm mà chi vậy? Buồn nỗi gì? Khóc cớ chi? Phù sanh nhứt mộng, giàu sang ích gì? Mà nghèo hèn lại hại gì? Vậy chớ mình tự tĩnh tự giác, lần gỡ mà bỏ cho hết những lục căn, lục trần đặng tiêu diêu cực lạc, thơ thới xác phàm, há chẳng quý hơn là mê mẩn đắm chìm trong vòng tham danh chuốc lợi, mà phải nhuốc nhơ, phải phiền não, phải khóc than hay sao?..."

(Hồ Biểu Chánh)

con-nha-ngheo (1)

Con nhà giàu

Lời tựa

Nói cho phải ông Kế hiền Toại bỏn sén với mọi người chớ không phải hẹp với con dòng lớn còn rộng với con vợ nhỏ. Chừng Thượng Tứ đúng tuổi ông gởi lên học trên Mỹ Tho, mỗi ngày ông cho phép ăn bánh có 5 xu mà thôi, mà chiều thứ bảy đi về thì ông bắt đi bộ, chớ ông không cho tiền đi xe. Nếu Thượng Tứ không phiền, ấy là vì có mẹ đút nhét, cha cho mỗi tuần ba cắc mà mẹ lén đưa thêm ba đồng bởi vậy bánh hàng đã phủ phê mà chiều thứ bảy lại mướn xe kéo mà về gần tới nhà rồi mới chịu xuống xe đi bộ cho cha đừng biết.

Chừng Thượng Tứ được 19 tuổi, đương, học trên Sài Gòn, thì ông Kế hiền phát bịnh, Bà Kế hiền thấy ông đã quá 60, mà ương yếu như vậy thì bà lo sợ, nên bà òn ỹ khóc lóc xin ông hãy tính giùm việc tương lai cho bà, chớ nếu ông không tính trước rủi ông cỡi hạc chầu trời, thì chắc thầy Ban Biện Thượng Chí dùng quyền trưởng nam mà thâu hết sự nghiệp rồi mẹ con bà không có chỗ mà dung thân...

(Hồ Biểu Chánh)

con-nha-giau

Đoạn tình

Trích đoạn

"Hẳng luận người Việt Nam, người Pháp hay người Tàu, ai có xe hơi thảy đều biết hãng "Thuần Hòa" ở Sài Gòn, tại đường Phan Thanh Giản. Hãng ấy choán trọn một dãy phố 5 căn: căn đầu thì bán vỏ ruột cùng các đồ phụ tùng xe hơi; căn kế đó thì chia phòng cho ông Chủ hãng với mấy thầy cô làm việc giấy; còn ba căn chót thì chứa mười mấy cái xe hơi mới tinh để bán, lớn có nhỏ có, thứ nào cũng đẹp.

Ở phía sau lại còn có một cái xưởng rộng lớn, trong ấy có đủ máy để sơn xe và tiện hoặc đúc các đồ phụ tùng theo máy móc xe hơi.

Thầy thợ trong hãng đông đầy, mà khách tới mua đồ, coi xe hoặc sửa xe cũng nườm nượp, trước hãng thường có đôi ba chiếc xe hơi đậu luôn luôn.

Một buổi chiều, Thuần là chủ hãng, mình mặc áo sơ mi cụt tay, đi qua đi lại một mình trong phòng làm việc, bộ như suy nghĩ một việc gì quan hệ lắm vậy. Thuần mới 28 tuổi, lại nhờ hồi nhỏ có tập luyện thể thao nhiều, nên vai ngực nở nang, tay chân cứng cỏi, tướng mạo coi rất mạnh mẽ. Thuần không ưa nói nhiều, song ưa suy nghĩ. Gương mặt nghiệm nghị mà ôn Hòa vui vẻ, làm cho ai ngó thấy cũng biết liền là người chân chất mà quyết đoán. Chuông điện thoại reo reng reng. Thuần bước lại đứng dựa bàn viết, một tay thọc vào túi quần tây, một tay nắm ống dây thép nói kề vào tai mà nghe rồi nói: "A lô!... Phải, đây là hãng Thuần Hòa... Phải tôi.... Còn tôi được hân hạnh mà nghe ai nói đó?.. À! Tôi kính chào ngài... À... được, được lắm... Ngài nói chỗ nào?... Ðường Quản Hạt số 1, chỗ Gò Ðôi? Tôi biết, tôi biết, đường đi Tây Ninh, khỏi ngã ba Bà Ðiểm một chút đó mà... Ðược, tôi sẽ biểu đi liền, xin ngài an tâm... Chào ngài"."

(Hồ Biểu Chánh)

doan-tinh

“Đoạn tình” là một câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, mang tính giáo dục cao về danh dự, về phẩm giá của con người và quan trọng nhất là đức hạnh của người phụ nữ, của người mẹ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Tỉnh mộng

Trích đoạn

"Dọc theo mé sông từ Tân-An qua Mỹ-Tho, nhà cất liên tiếp, cây trồng giao nhành, người lạ ngồi thuyền đi qua đó ai cũng khen là chỗ dân cư trù mật. Cách ít năm trước, ở chợ Tân-An, do theo quan lộ đi dựa mé sông ấy, vô chừng vài ngàn thước thì thấy có một tòa nhà ngói cũ ba căn hai chái, nền đúc, cửa cuốn, vách gạch, cột gõ. Nhà cất day cửa xuống mé sông, trước cửa kiểng vật đủ thứ: nào là vạn-niên-tùng, nào là bá-trắc-diệp, nào là bùm-sụm, nào là càng-thăng, nào là thủy-tiên, nào là kim-quít. Hai bên đường vô cửa lại có mấy bồn bông lan, bông huệ, vạn-thọ, mồng-gà, đinh lăn, sao-nháy. Bên chái trên có mấy nọc trầu vàng sum-sê, gió thổi lá đòng đưa khoe màu tươi mướt. Phía chái trên có chuồng bồ-câu sơn đỏ, mà vì mưa sa nắng táp làm phai lợt màu son. Ở sau nhà lớn thì có một cái nhà ngói nhỏ ba căn song để chứa đồ và nấu nướng. Còn từ đó ra phía sau nữa thì là một khoảnh vườn lớn gần nửa mẫu, chung-quanh trồng mấy hàng dừa, cây cong-vòng, cây suông đuột, buồng sai, tàu xụ, xem rất u-nhàn. Trong vườn thì xẻ mương nhỏ cái dọc, cái ngang, rồi trên mấy liếp trồng chuối lộn với cau, chuối nhảy con bùm-sùm, cau ngay hàng thẳng rẳng."

(Hồ Biểu Chánh)

tinh-mong

Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã để lại một dấu ấn tiêu biểu trong văn học Việt Nam. Với sự đa tài và sáng tạo độc đáo, ông đã viết nên hơn 100 tác phẩm đa dạng, thể hiện tình yêu và hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người Nam Kỳ. Tác phẩm của ông không chỉ đánh dấu sự phát triển của văn học chữ quốc ngữ mà còn giữ lại những giá trị văn hóa quý báu. Những câu chuyện đơn giản, triết lý tích cực và phong cách viết độc đáo của ông luôn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ độc giả và nhà văn tương lai.

Tin liên quan

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển: Cuộc đời, sách và các di sản thời đại

Vương Hồng Sển (bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Xem chi tiết

“Ông già Nam Bộ” Sơn Nam: Cuộc đời và tác phẩm

Nhà văn Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)
Xem chi tiết