Loading...
Chủ Nhật, 08/10/2023

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển: Cuộc đời, sách và các di sản thời đại

Vương Hồng Sển (bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển là ai?

Vương Hồng Sển tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh (khi làm giấy khai sinh bị viết nhầm là Sển, vì đọc theo cách phát âm tiếng Triều Châu của người Quảng Đông, Trung Quốc), còn được biết đến với các bút danh như Anh Vương, Vân Đường và Đạt Cổ Trai sinh ngày 27 tháng 9 năm 1902 tại Sóc Trăng. Ông là một nhà văn hóa, học giả và người sưu tập đồ cổ của Việt Nam. Ông được xem là một trong những nhân vật có kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn hóa miền Nam. Với vốn kiến thức, tài năng và cái tâm của mình, ông rất được tôn trọng trong cộng đồng sử học và nghiên cứu khảo cổ tại Việt Nam.

vuong-hong-sen-4

Cuộc đời và sự nghiệp của Vương Hồng Sển

Cụ Vương Hồng Sển mang trong mình ba dòng máu Kinh, Hoa và Khmer. Trong thời điểm là học sinh, ông theo học tại Collège Chasseloup Laubat. Sau khi tốt nghiệp Brevet Elémentaire, ông đã làm công chức ngạch thư ký và phục vụ tại nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, bao gồm cả dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939 – 1943). Từ năm 1948, ông nắm giữ vị trí Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1964. Vương Hồng Sển là một người yêu thích đọc sách và đam mê ghi chép mọi điều mà ông nghe và thấy. Hầu hết tác phẩm của ông được chắt lọc từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông đã kỹ lưỡng lưu giữ.

Từ khi còn bé, Vương Hồng Sển đã thể hiện đam mê đối với đồ cổ. Sau khi về hưu, ông tập trung vào việc sưu tập sứ gốm cổ và nghiên cứu về hát bội, cải lương. Ông cũng hợp tác với đài Vô tuyến Việt Nam dưới các bút danh như Anh Vương, Vân Đường và Đạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông đã nghiên cứu các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, và tiếu lâm xưa và nay. Ông được xem như một kho tàng sống về các lĩnh vực này.

bao-tang-co-vat-vuong-hong-sen

Trong suốt cuộc đời, ông đã sưu tập được hơn 800 cổ vật, trong đó có nhiều món độc đáo, như đồ gốm men xanh trắng từ thế kỷ 17 - 19. Ông đã đóng góp đáng kể vào việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm, đồng thời chia sẻ kiến thức và kỹ năng với những người đam mê sưu tập đồ cổ. Công trình nghiên cứu của ông đã được đánh giá cao bởi giới chuyên môn.

Sau khi qua đời, Vương Hồng Sển đã tặng lại những cổ vật mà ông đã sưu tập suốt đời cho thành phố. Ông hy vọng rằng những hiện vật này sẽ được trưng bày tại ngôi nhà cổ của mình. Ngôi nhà của ông, đặt tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), là kết quả của sự cống hiến của ông trong việc tìm mua nguyên căn nhà cổ từ vùng ven Sài Gòn và dựng lại. Ông đã sống tại đây trong gần nửa thế kỷ và đã đầu tư nhiều công sức để tạo bồi cho ngôi nhà quý này, mang đậm dấu ấn của cổ điển với những vật liệu lịch sử trải qua hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, từ năm 1996, Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh, với sự đồng ý của Ủy ban nhân dân Thành phố, đã di dời các cổ vật này để quản lý và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố và Thư viện Khoa học tổng hợp.

Vương Hồng Sển và tập sách khảo cứu về Nam bộ xưa

Hơn nửa đời hư

"Hơn nửa đời, biết làm sao mà định? Bốn mươi năm mươi cũng được, quá sáu bảy mươi cũng biết đâu chừng? Thôi thì để đó, khi đập nắp quan sẽ hiểu.

Chuyện tôi viết, bắt đầu từ năm sanh (1902) đến năm đi dạy học ở Huế về (1967), thấy nhộn quá nên ở nhà, chớ dư sức hoạt động. Con đường đã trải, cũng dài khá bộn, kể tuổi đầu cho đến nay đã trên bảy mươi, như vậy lẽ đáng nên gọi, nếu mai nầy chết, là “trọn một đời hư”, mới phải.

Như con bạc trúng một canh bài về khuya, đủ gỡ vốn lời, vì “nên” được vào mấy ngày chót vậy xin cho tôi ghi “Hơn nửa đời hư” làm nhan sách.

Tưởng “viết để lại cho con là Bảo” nhưng nay in thành sách có nhiều mắt cùng xem, như vậy “Hơn nửa đời hư” là phải.

Ngoài trời mưa, đêm vẫn lạnh. Gió mướt tỉ tê, mắt già mi ướt. Tôi chuốc đôi hài nhung, mặc thêm một lớp áo ấm, lại ngồi bàn viết:

Đêm nay gió bấc mưa dầm,

Đèn khuya một bóng, bóng lầm với đêm"

(Vương Hồng Sển)

vuong-hong-sen-thumb

Chuyện cũ ở Sốc Trăng - Di cảo - Tập I và II

"Tôi xin gom các chi tiết và viết lại tập ký sự nầy, tuy biết vẫn còn thiếu sót nhiều và vụng về nhiều, nhưng đó là việc ngoài ý muốn của tôi, và dầu sao đi nữa, vẫn là một mối thành tâm hôm nay tôi xin kính cẩn kết làm một bó hoa muộn nhưng chí thành, gợi lại những gì đã xảy ra và đã nghe thấy ở tỉnh Sốc-Trăng là nơi chôn nhau cắt rún và cũng là nơi nằm yên mồ mả ông bà cha mẹ và một ngày nào vẫn ước ao được gởi xác về chôn dưới chơn mộ cha mẹ tôi, thì cũng toại lòng thân "nhện bồng con" này, tơ nhện dầu không bền được như tơ tằm, nhưng xin mấy anh hãy sẵn lòng chắp nối, thì có chi vui và tốt đẹp bằng. Lòng tôi thân tôi tuy ở Gia-Định nhưng trí óc luôn luôn vẫn nhớ và không quên chốn cha sinh mẹ dưỡng là tỉnh Sốc-Trăng yêu quí."

(Vương Hồng Sển)

chuyen-cu-o-soc-trang

Đây là một bộ tài liệu nghiên cứu và du ký tổng hợp được xây dựng dựa trên nhiều nguồn tư liệu, về vùng đất Sóc Trăng từ thời xa xưa cho đến năm 1945. Cuốn sách này bao quát nhiều khía cạnh khác nhau như đất đai, địa lý, con người, văn hóa và tạo ra một nguồn tài liệu quý báu về vùng Sóc Trăng và Hậu Giang từ thời kỳ đầu của sự khai hoang định cư và phát triển.

Trong khi tập 1 tập trung vào việc khám phá lịch sử của vùng đất xưa, tập 2 là một cuốn sổ tay cá nhân của tác giả, ghi lại những trải nghiệm, quan sát và suy tư về các nhân vật quan trọng, chính sách, và cuộc sống vào thời điểm đó. Việc này tạo nên một cái nhìn chi tiết và sâu sắc hơn về cuộc sống và sự thay đổi trong vùng Sóc Trăng trong giai đoạn quan trọng của lịch sử và văn hóa miền Nam. Điểm đặc biệt của tập 2 nằm ở những thông tin và câu chuyện độc đáo, giúp giải mã những địa danh và sự kiện quan trọng trong lịch sử miền Nam Việt Nam. Vương Hồng Sển không chỉ là một nhà văn hóa, học giả, và người sưu tập nổi tiếng, mà còn là một người hiểu biết rộng về miền Nam, và những tác phẩm của ông kết hợp thông tin với sức cuốn hút và thuyết phục.

Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc

Tác phẩm được Vương Hồng Sển viết năm 1974, duyệt lại năm 1978; là những gì ông chưa viết trong Hơn Nửa Đời Hư, và cũng được gọi là hồi ký. Tác phẩm khám phá những khía cạnh về cuộc sống, sự kiện, nhân vật và đất đai của miền Nam cũ, đặc biệt là vùng Hậu Giang vào đầu thế kỷ trước. Mạch văn được kể lại và so sánh với thời điểm ông viết. Các mốc thời gian lùi dần theo dòng hồi ức, cũng tiện cho người đọc hôm nay vì khi đặt mình ở điểm “giữa” (tức khoảng năm 1974); chúng ta có cái lợi thế được thấy quá khứ của một vùng đất mới và cả "tương lai" mà tác giả lúc đó chưa thể biết.

an-com-moi-noi-chuyen-cu

Tạp bút năm Quí Dậu 1993

“Tạp bút năm Quí Dậu” được cụ Vương Hồng sển viết như trăng trối, có khi chỉ là những chuyện lụn vụn, “tào lao”, “loạn xà ngầu”, nhưng với người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, chất chứa những niềm say mê, và quyến rũ… bởi đó là những âm thanh của cuộc biến động ngoài xã hội được vọng lại, dồn nén, rồi bật ra thành lời…

Là một người rất khoa học trong tổ chức công việc, cụ Vương Hồng Sển ghi chép vào sổ tay những số liệu của đời sống riêng và chung, từ chi tiết lặt vặt như giá mua một bộ đồ trà, cho đến những chuyện lớn như Nguyễn Du đi sứ năm nào và Truyện Kiều ra đời vào năm nào… Những chi tiết được xâu chuỗi tài tình khiến người đọc như bị thôi miên và thỉnh thoảng giựt mình vì những khám phá mới lạ. Ông cũng là một nghệ sĩ tài hoa và dày dạn kinh nghiệm (với cả một chút cực đoan) trong việc thể hiện cảm xúc lên trang giấy. Điều này đã làm nên một phong cách rất đặc biệt, có thể nói là “độc nhất”. Cái lối viết vừa ngang tàng, vừa say sưa, vừa mềm mại uyển chuyển, luôn hút mắt người đọc!

Tạp bút năm Nhâm Thân 1992

Lật từng trang, có thể bắt gặp những con người, những cảnh vật đã chìm sâu trong ký ức của một thế hệ, hoặc tưởng đã vĩnh viễn mất đi theo thời gian. Những câu chuyện đời thường, những tinh hoa thu được từ bao năm nghiên cứu sưu tầm được tác giả luận bàn với một văn phong Nam bộ cổ xưa có nhiều thành ngữ dân gian hết sức dí dỏm, độc đáo. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được bút lực mạnh mẽ của "một ông già gần xuống lỗ" đang chạy đua với thời.

Ở tạp bút này người đọc vẫn thấy một giọng văn quen thuộc vừa dung dị, mộc mạc mà đầy sức cuốn hút, và trên hết,nó toát lên cái tinh thần Viễn Đông Bác Cổ: nói có sách, mách có chứng. Những trang tạp bút được ghi lại dưới dạng nhật ký kèm theo hồi ức, những sự kiện nhỏ từ lúc còn bé thơ cho đến cuối đời người thăng trầm dâu bể, luôn phảng phất sự hoài vọng với văn hóa của tổ tiên, của nhân loại.

vuong-hong-sen-3

Cuốn sách và tôi

Cụ Vương Hồng Sển viết Cuốn sách và tôi trong năm 1984, như là một sự “tỏ bày cảm tình riêng với sách” - trút hết nỗi lòng, kinh nghiệm viết và đọc sách; một chút tiếc nuối cho những cuốn sách có số phận long đong, cũng như cho bản thân ông không còn nhiều thời giờ để lang thang trong thế giới bao la khôn cùng của sách... Những ghi chép của ông về thú chơi sách bao giờ cũng gắn với một kỷ niệm nào đó trong quá khứ, chuyện riêng tư lẫn câu chuyện chung của thời cuộc (như chuyện “thu gom sách” vốn gây tranh luận một thời), dẫu đã xa xôi nhưng khi đọc lại vẫn khiến chúng ta bâng khuâng không ít...

Với cụ Vương Hồng Sển, chơi sách cũng như những thú chơi khác, vẫn thường có những lúc thăng trầm, và người chơi tùy cảnh tùy thời phải biết cách giữ cho lửa say mê không tắt, và với một người chơi có lòng đam mê thực thụ thì cho dù hoàn cảnh nào họ vẫn tìm thấy được lạc thú.

Cũng vì cái tình yêu sâu đậm đó, mà qua thời gian, thú chơi sách của cụ Vương đã được nâng lên thành một nghệ thuật, với tất cả sự sâu thẳm của nó. Trong nghệ thuật chơi sách của ông, có thể thấy được sự hòa trộn của tính tài tử (chơi sách) và tính bác học (đọc sách). Ông thường đánh máy những đoạn văn, những sử liệu từ nhiều loại sách đông tây kim cổ, lưu lại phòng khi sách bị mất hay thất lạc; lúc rỗi rảnh, ông lại dịch ra tiếng Việt, vừa thỏa cái thú văn chương, vừa để nhẩn nha thưởng thức...; nhờ vậy mà chúng ta lại có cơ hội đọc được những bài tuyệt hay chứng tỏ trong lĩnh vực dịch thuật ông cũng là một bậc thầy.

Với Cuốn sách và tôi, cụ Vương Hồng Sển không chỉ dâng hiến sự hiểu biết của mình về nhiều mặt của đời sống, mà còn mang theo những hương xưa độc đáo, tràn trề xúc cảm qua từng trang viết - văn chương của ông giản dị, tự nhiên mà lôi cuốn vô cùng, - một lối hành văn duyên dáng lạ lùng và luôn luôn gây bất ngờ.

(Tháng 3 năm 2010)

cuon-sach-va-toi

Dỡ mắm

"Ngồi buồn dở mắm nhau ra

Mắm ông thì thúi mắm bà không thơm

Tục đã sẵn câu: "Mắm ngon chi lắm cũng có giòi". biết kinh nghiệm, chịu khó vớt giòi ra là ăn được rồi.

Thuở nay, ai chết không thành giòi? Giòi là hậu kiếp của con người, sạch hay dơ đều hóa giòi một thứ. Trước sau cũng phải thành giòi thì há dám lời nào? Nhưng tập này, dặn lại, khi chết rồi mới được in hay làm gì thì làm. Vậy, mạnh dạn cứ viết. Có người nào khi đọc không bằng lòng, dẫu trách cứ, S. vẫn không nghe, vì còn ở đây đâu nữa mà nghe!"

(Vương Hồng Sển)

do-mam

Sài Gòn năm xưa

Tựa

KÍNH DÂNG BA

Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua:

Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.

Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.

Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu" sao có đắt tiền?

Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!

Những ký ức bấy lâu, con viết gởi về: "Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe".

Gia Định, đường Rừng Sác, số 5,

Ngày 26 tháng 5 năm 1960

SỂN

sai-gon-nam-xua

TỰA

Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cố, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:

"Gốc tích hai chữ "SÀI GÒN"

Nói ư? - Chỉ bày cái dốt của mình ra!

Nín ư? - Người cười, càng thêm khó chịu!

Thôi thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu - dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình - bày hết, trình hết ra đây, mặc tình các vị xa gần tùy thích lựa chọn: "tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu", dù chẳng làm nên cái bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng! Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:

- Chỗ nào các bạn thấy mới, đáng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: "coi vậy mà xài được"!

- Chỗ nào chưa "êm", nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cỡ bậy, hay gì? Đối với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin "nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu".

Học giả tiền bối trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, trong "Excursions et Reconnaissances" (tạp chí về du lãm và thám hiểm), tập số 23, tháng Năm và Sáu năm 1885, có viết một bài khảo cứu Pháp Văn "Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs" (ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận). Bài này viết hai mươi lăm năm sau năm Nam Kỳ thất thủ (1859-1885). Nay tôi dựa theo bài ấy làm nồng cốt mà kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt, ngót một trăm năm. Bắt tay vào việc, cốt ý của tôi là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn. Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ, chắc gì ôm theo được (mà chừng đó ôm theo ích gì cho ai?)

- Ở đây, tôi chú trọng nhiều nhứt là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp - Nam

- Chà - Chệc chung đụng, những chuyện "Tây đến Tây đi", những việc chưa ai nói rõ ràng, may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng "ăn trầu ngẫm mà nghe" bây giờ chưa nói còn đợi lúc nào? Có nói có cãi, lần hồi mới phăng ra sự thật.

Tôi không quên cám ơn anh bạn thân Lê Ngọc Trụ, người nhau rún Chợ Lớn, đã dày công giúp tôi xây dựng tập nhỏ này. Cũng như tôi không dám quên ơn tất cả các bạn xa gần đã góp sức cùng tôi, trong số, điển hình nhứt, có anh Mười Minh Tải Đặng Văn Ký, người đồng cảnh ngộ với cụ Trần Trọng Kim Tân Gia Ba thuở nọ. Nay Anh Mười nằm khoảnh làm ẩn sĩ, ấp Đông Nhì, Gò Vấp. Anh không làm gì hết, nhưng anh dày công ủng hộ tôi về mặt tinh thần, giúp thêm ý kiến, và đã đổ nhiều bọt oáp trong khi cùng tôi tìm hiểu địa điểm "Mả Ngụy" ngày nay nằm nơi đâu! Còn một người nữa, bạn già với nhau, ông Hoàng Xuân Lợi, họa sĩ Viện Bảo Tàng. Mấy ảnh chụp khéo, mấy bức địa đồ công phu không có, làm sao tập nhỏ này thành hình? Bác Lợi, cảm tình chất chứa tận đáy lòng, tôi vội gói làm một gói "tri ân nồng hậu", xin Bác vui nhận.

Xuân Mậu Tuất (1958)

Xuân Canh Tý (1960)

VƯƠNG HỒNG SỂN

Tin liên quan

“Ông già Nam Bộ” Sơn Nam: Cuộc đời và tác phẩm

Nhà văn Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)
Xem chi tiết

6 tác phẩm văn học không thể bỏ qua của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nhà văn Hồ Biểu Chánh là cha đẻ của hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác. Ông nổi tiếng với việc viết văn xuôi tự sự, với chủ đề chính xoay quanh cuộc sống ở Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị vào những năm đầu của thế kỷ 20. Sau đây là các tác phẩm văn học không thể bỏ qua của ông
Xem chi tiết