Loading...
Thứ Hai, 19/5/2025

Không gian gốm sứ trên những mái chùa

Đã bao giờ bạn ngước lên những lớp lớp mái ngói của các hội quán người Hoa tại Chợ Lớn và trầm trồ trước một thế giới huyền ảo được tạo nên bởi gốm? Tại Hội quán Tuệ Thành, đặc sắc nhất là hệ thống tiểu tượng chạy theo phần mái đã xuất hiện từ những năm 1908 do hai lò gốm nổi tiếng của người Hoa là Bửu Nguyên và Đồng Hòa thực hiện. Các lò gốm này đều thuộc khu vực Bến Lò Gốm (Chợ Lớn), là những lò chuyên sản xuất đồ gốm Sài Gòn khá nổi tiếng.
Gom2
 
Quần thể tiểu tượng gốm được bố trí thành mười dãy họa tiết chính ở gốm nóc và mái cùng bốn quần thể trang trí phụ ở hành lang bên trái và phải của hai cổng nhỏ vào miếu. Các quần thể này là tập hợp lắp ghép của những tấm gạch nhỏ được nung thành từng khối dài khoảng 60cm, có trọng lượng trung bình 90 kg. Dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, những điển tích Trung Hoa hiện lên sống động như đôi rồng vờn mây tranh ngọc châu, Bát tiên vượt hải, hay Thiên Quan Tứ Phúc. Mỗi phù điêu là một bức tranh thu nhỏ, kể lại những câu chuyện quen thuộc mà người Hoa mang theo từ quê hương, như những kỷ vật tinh thần trên đất khách.
 
Dưới những phù điêu lớn là thế giới động vật linh thiêng: đàn nai thanh thoát đang gặm cỏ, cặp gà trống mái kiêu hãnh bên cành hoa mẫu đơn, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, và sư tử oai phong trấn giữ cửa thiêng. Mỗi hình tượng động vật đồng thời cũng gắn với những ước mong cát tường, bình an, chở theo ước vọng bình an và thịnh vượng của cộng đồng người Hoa.
Đa số những bức tượng gốm trên mái ngói ấy là gốm Cây Mai – một dòng gốm đặc sắc của Sài Gòn xưa. Sinh ra từ xóm Lò Gốm cổ kính, nơi mà theo lời phú cổ: "Lạ lùng xóm Lò Gốm, Chân vò vò Bàn cổ xoay trời", gốm Cây Mai mang trong mình hơi thở của phương Nam rực rỡ. Những lò gốm Cây Mai như những đóa hoa nghệ thuật âm thầm nở rộ từ trước thế kỷ XIX. Màu men trên các tượng và quần thể tiểu tượng được thể hiện khá công phu và tỉ mỉ với bảng màu phong phú như: xanh lưu ly, xanh lam, trắng, vàng, nâu, đen... trong đó người nghệ nhân chỉ sử dụng duy nhất màu xanh lưu ly và xanh lam làm nền – đây là màu men chủ đạo và đặc trưng của dòng gốm Cây Mai tại Sài Gòn.
 
Điểm đặc biệt trong kỹ thuật là sự tô màu chồng lên màu nền, tạo nên cảm giác biến chuyển của đa dạng sắc màu. Các tượng được tạo hình với tỷ lệ chuẩn xác về hình thể học cũng như nhân chủng học, thể hiện đầy đủ khả năng tả thực của nghệ nhân. Dù nhiều tượng là thế song mỗi tượng một vẻ, không tượng nào giống y hệt tượng nào từ nét mặt, trang phục, động tác của mỗi nhân vật đều có sự khác biệt.
 
Ngày nay, dù những lò gốm tại khu vực Chợ Lớn như gốm Cây Mai đã lặng lẽ khép lại theo dòng thời gian, nhưng di sản mà họ để lại vẫn sống mãi âm thầm mà bền bỉ trên những mái hiên, nóc nhà, trong không gian trang nghiêm của các hội quán. Và thông qua những tạo hình đặc sắc ấy, ta như thấy được tâm thức, khát vọng và mơ ước của con người về một cuộc sống thịnh vượng, thái bình tại nơi mảnh đất mà họ chọn làm nhà.
 
Tài liệu tham khảo:
Lương, Đ., & Ngọc Ánh. (2021). Kiến trúc Hội quán người Hoa ở Chợ Lớn.
Phong, N. T. (2023). Tượng và quần thể tiểu tượng gốm của người Hoa ở Sài Gòn: Trường hợp miếu Thiên Hậu - Hội quán Tuệ Thành (TP Hồ Chí Minh)

Tin liên quan

Nét đặc trưng tiêu biểu của dòng gốm Cây Mai

Gốm Cây Mai là tên gọi của một dòng gốm nổi tiếng của “xóm Lò Gốm” thuộc vùng đất Sài Gòn xưa. Loại nghệ phẩm này đã có thời gian phát triển rực rỡ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Để tiếp nối bài viết về gốm Cây Mai, hôm nay, thư viện số Nguyễn An Ninh sẽ giới thiệu đến bà con đôi nét về những đặc trưng của dòng gốm đặc sắc này.
Xem chi tiết

Đặc trưng riêng của gốm Sài Gòn

Dựa vào danh sách lò gốm và tiệm/chành bản đó gốm sứ ở Chợ Lớn - Sài Gòn từ những năm cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX được ghi chép trong các tài liệu mà theo Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trong công trình viết về Gốm Sài Gòn do NXB Văn Hoá Văn Nghệ ấn hành có đoạn viết
Xem chi tiết

Đời sống của ông bà ta thời xưa qua chuyện cái gối kê đầu

Trong dòng chảy lịch sử, gối tưởng như chỉ là một vật dụng nhỏ bé lại hiện hữu với muôn hình vạn trạng, phản ánh rõ nét những đổi thay trong đời sống và quan niệm thẩm mỹ của con người qua từng thời kỳ. Đặc biệt, dưới thời phong kiến, có một món rất đặc biệt của những gia đình giàu có, quyền thế - chính là gối gốm.
Xem chi tiết

Sự kiện "Gốm Nam Bộ - Dấu ấn trăm năm": Khơi dậy niềm tự hào từ đất

Bạn đọc có bao giờ lắng nghe câu chuyện được kể từ những lớp men óng ánh, từ dáng hình mộc mạc mà ẩn chứa bao tinh hoa của gốm Nam Bộ? Nghề gốm truyền thống đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của vùng đất phương Nam, là chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử và lưu giữ những giá trị nghệ thuật độc đáo.
Xem chi tiết