Loading...
Thứ Hai, 19/5/2025

Nét đặc trưng tiêu biểu của dòng gốm Cây Mai

Gốm Cây Mai là tên gọi của một dòng gốm nổi tiếng của “xóm Lò Gốm” thuộc vùng đất Sài Gòn xưa. Loại nghệ phẩm này đã có thời gian phát triển rực rỡ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Để tiếp nối bài viết về gốm Cây Mai, hôm nay, thư viện số Nguyễn An Ninh sẽ giới thiệu đến bà con đôi nét về những đặc trưng của dòng gốm đặc sắc này.
Về cơ bản, dòng gốm Cây Mai gồm hai loại chính là đồ đất nung không phủ men và loại có phủ men (thường là tô men màu) để chống thấm nước, dầu mỡ, v.v. Bảng màu men của dòng gốm này không quá đa dạng, gồm các màu chính là lam, xanh lục, vàng, đen, nâu và trắng. Theo nhà nghiên cứu Derbès, đồ sành Cây Mai sử dụng loại đất có nhiều nước và việc tô men màu không kỹ lưỡng. Sau khi chế tác, thành phẩm được nung trong lò nung dài khoảng 20 - 25m trong thời gian khoảng 48 tiếng. Sau đó, thợ nung cần chờ 8 - 10 tiếng để lò nguội để lấy sản phẩm ra.
 
Gom-CayMai
 
Những nghệ nhân của dòng gốm Cây Mai không chỉ sản xuất được các loại lu, hũ, tiểu, vại… thông dụng bằng đất nung có bôi men chống thấm mà còn chế tác các loại sản phẩm sành men cao cấp hơn như chóe, chân đèn, chậu hoa, v.v. Bên cạnh đó, dòng gốm này còn làm ra các loại tượng lưỡng long tranh châu, kỳ lân, cá hoá long hay cặp tượng ông Nhật, bà Nguyệt… ở các đình, chùa, đền, miếu người Hoa như miếu Thiên Hậu, đình Minh Hương Gia Thạnh, v.v.. đặc biệt với tính chất nổi trội và khối lượng di vật hiện tồn mà có thể nói sản phẩm chủ đạo của gốm Cây Mai là tập trung vào loại sản phẩm “công nghệ miếu vũ”.
 
Một mặt hàng của gốm Cây Mai rất được giới chơi kiểng ưa chuộng là chậu kiểng. Loại hàng này không quá thô sơ nhưng đồng thời không quá bóng loáng, màu mè như chậu men của gốm Biên Hòa sau này. Chậu kiểng Cây Mai mang vẻ đẹp giản dị, cổ kính, được trang trí xoay quanh các đề tài về cảnh vật, điển tích, thư pháp.
Gốm Cây Mai không chỉ là sản phẩm từ tài nghệ, óc sáng tạo của người thợ xưa mà còn là chứng nhân lịch sử cho một giai đoạn rực rỡ của nghề gốm ở Sài Gòn. Với những đặc trưng độc đáo, dòng gốm Cây Mai đã góp phần kiến tạo cho các giá trị văn hóa Nam Bộ thêm phong phú, đặc sắc.
 
 
Nguồn tham khảo:
Huỳnh Ngọc Trảng. (2018). Sài Gòn – Gia Định: Ký ức lịch sử – văn hóa. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Đăng Trình. (2023, Tháng 1 ngày 23). Gốm Cây Mai phục chầu Đại Nội. Huế Ngày Nay Online.

Tin liên quan

Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa

Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào nam kinh lược, “ lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn…” đến nay đã hơn 300 năm. Ba trăm năm với bao biến cố thăng trầm, dấu tích của Sài Gòn xưa đã dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. “Vật đổi sao dời”, đây đó còn lưu lại một vài ngôi đình, chùa miếu, lăng mộ … đã qua sửa chữa tu bổ nhiều lần dù có làm mất dần nét cổ kính nhưng phần nào còn thể hiện sự lưu tâm gìn giữ. Lần theo sử sách và một vài dấu tích, chúng tôi đi tìm lại một “Sài Gòn Xưa” lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là một làng nghề nổi tiếng đã từng góp phần cho sự phát triển của vùng đất này: Xóm Lò gốm.
Xem chi tiết

9X mong mang nắng về làng gốm Lái Thiêu xưa

Nhóm thợ vẽ của Nắng chủ yếu là các bạn gen Z cùng chung đam mê về văn hóa truyền thống và muốn phục dựng những giá trị cũ với hình thức sáng tạo hơn.
Xem chi tiết

"Vương quốc đỏ"

Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long từ hàng nghìn năm qua đã được bồi đắp bởi lớp phù sa màu mỡ, đỏ ối đến từ dòng sông mẹ Mekong. Những lớp phù sa ấy không chỉ nuôi dưỡng cây trái trĩu cành mà còn ban tặng cho người Vĩnh Long cái “mỏ vàng” là đất sét đỏ – nguyên liệu chính để làm nên các sản phẩm gạch ngói và gốm. Ấy cũng là lý do vì sao người ta thường gọi Vĩnh Long là “Vương quốc đỏ”.
Xem chi tiết

Gốm đỏ Vĩnh Long - vẻ đẹp bình dị được tạo tác bởi đôi bàn tay tài hoa

Nói đến gốm sứ Nam Bộ, người ta đã quá quen với các sản phẩm gốm sứ được tráng men bóng loáng và điểm tô họa tiết tinh tế của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; song những năm gần đây, với những nỗ lực của bà con tỉnh Vĩnh Long, người ta đã dần quen mặt hơn với cái tên “gốm đỏ Vĩnh Long”.
Xem chi tiết