Loading...
Chủ Nhật, 04/5/2025

Nguồn gốc ra đời của dòng gốm Sài Gòn

Theo các tài liệu ghi chép lại, gốm Sài Gòn ra đời và phát triển từ đầu thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX gắn liền với dòng chảy lịch sử mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam.
Khi những nhóm cư dân từ miền Bắc và miền Trung di cư vào Nam, họ đã mang theo nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm gốm. Ban đầu, các sản phẩm gốm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày như nồi, bình, bát, đĩa. Những lò gốm đầu tiên xuất hiện tại vùng đất mới, đặc biệt là ở khu vực Chợ Lớn – nơi cộng đồng người Hoa sinh sống và phát triển.
Tư liệu xưa nhất có nhắc đến lò gốm ở xứ Sài Gòn (nay là vùng Chợ Lớn) là sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức. Sách này cho biết “Sông Mã Trường” (tên khác Rạch Ngựa): Nguyên xưa từ của sông Cát ra phía Bắc cho đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được thuyền bè lui tới đủ loại đậu đúc. Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) Đốc chiến Đàm Âm Hầu… có đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên ấy…” (Trịnh Hoài Đức 1972:42).
3525-Gốm Sài Gòn
Hai chữ "lò gốm" của Sài Gòn còn được tìm thấy trong bài cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh thời xưa vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
“Lạ lùng xóm Lò gốm,
Chân vò vò bàn cổ xây trời”.
(Gia Định Phong Cảnh Vịnh 1997:23)
Khoảng cuối TK XVIII tại đây đã có 62 ty thợ do nhà nước quản lý và hàng trăm phường thợ trong dân gian. Nhiều ngành nghề tập trung trong các khu vực nhất định để rồi xuất hiện những địa danh như Xóm Chiếu, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Dầu, xóm Chỉ, xóm Vôi, xóm Bột… riêng xóm Lò Gốm vẫn còn để lại một số địa danh như đường Lò Gốm - đường Lò Siêu - đường Xóm đất – bến Lò gốm – rạch Lò gốm – kênh Lò gốm – khu lò lu… thuộc khu vực quận 6, 8, 11 ngày nay. Sản phẩm gốm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn góp mặt trong các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như đình, miếu, chùa. Những làng nghề truyền thống này gắn liền với các ngôi đình cổ như đình Hòa Lục, đình Phú Định, đình Long Quới và đình Phú Lâm, tạo nên một trung tâm sản xuất gốm lớn của Nam Bộ.
 
Qua hơn hai thế kỷ, gốm Sài Gòn không chỉ phục vụ đời sống vật chất mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Những sản phẩm gốm còn sót lại ngày nay là chứng tích sống động cho sự giao thoa văn hóa, cho sức sống bền bỉ và tinh thần sáng tạo không ngừng của con người vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong suốt tiến trình hình thành và phát triển.
 
Tài liệu tham khảo:
Đặng Văn Thắng. (1998). Gốm Sài Gòn – Góp phần Tìm hiểu Lịch sử – Văn hóa 300 năm Sài Gòn – TP..HCM. Nhà Xuất Bản Trẻ.
Trịnh Hoài Đức. (1972). Gia Định thành thông chí, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo. Nhà văn hóa phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn.
TS.Nguyễn Thị Hậu. (2018). Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Hậu. (2019). Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tin liên quan

Đời sống của ông bà ta thời xưa qua chuyện cái gối kê đầu

Trong dòng chảy lịch sử, gối tưởng như chỉ là một vật dụng nhỏ bé lại hiện hữu với muôn hình vạn trạng, phản ánh rõ nét những đổi thay trong đời sống và quan niệm thẩm mỹ của con người qua từng thời kỳ. Đặc biệt, dưới thời phong kiến, có một món rất đặc biệt của những gia đình giàu có, quyền thế - chính là gối gốm.
Xem chi tiết

Sự kiện "Gốm Nam Bộ - Dấu ấn trăm năm": Khơi dậy niềm tự hào từ đất

Bạn đọc có bao giờ lắng nghe câu chuyện được kể từ những lớp men óng ánh, từ dáng hình mộc mạc mà ẩn chứa bao tinh hoa của gốm Nam Bộ? Nghề gốm truyền thống đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của vùng đất phương Nam, là chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử và lưu giữ những giá trị nghệ thuật độc đáo.
Xem chi tiết