Loading...
Thứ Hai, 02/9/2024

Review Sách "Neo đậu hai quê" của tác giả Dương Thanh Thanh và Lê Minh Hà

Quyển sách với độ dày 475 trang gồm những bài tùy bút, thơ và bút ký của hai vợ chồng tác giả Lê Minh Hà, Dương Thanh Thanh viết về những tâm tư, tình cảm, trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là nỗi hoài niệm về người cha, về xứ Huế thân thương khi về làm dâu ở Vĩnh Long như: Người thích mua hoa chiều ba mươi, Có một nỗi nhớ Huế đằm sâu, trong tôi của tác giả Thanh Thanh, những tình người với nhau khi cô nằm bệnh viện như tác phẩm: chuyện xứ nhà thương,…, Những tình cảm về di tích và thắng cảnh ở Vĩnh Long như Sông nước Đình Khao, Bên dòng Long Hồ, Chuyện về mảnh vỡ súng thần công và hai quả đạn nơi Miếu Công Thần Vĩnh Long,… của tác giả Lê Minh Hà. Đôi khi là những suy tư về những cảnh vật, con người chứa đựng trong tâm hồn đầy nhạy cảm của hai tác giả.

Chúng ta từng biết đến nhân vật Đào trong tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, cô chọn Điện Biên là quê hương thứ hai khi làm nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên nông trường trồng lạc để phục vụ chiến trường ở miền Nam, những người lính trẻ đi phục vụ bảo vệ vùng trời ở những vùng biển đảo xa, hay những người đi làm việc xa quê hương, những người con gái làm dâu nơi xa,…Tất cả đều có chung cảm xúc ngày càng gắn bó với vùng đất mà mình đã chọn, xem như là quê hương thứ hai với bao tâm tình, sẻ chia và thương yêu như nơi mình sinh ra. Có cùng cảm xúc, ý nghĩ như vậy Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu quyển sách: “Neo đậu hai quê” của hai tác giả Lê Minh Hà và Dương Thanh Thanh do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2023.

Quyển sách với độ dày 475 trang gồm những bài tùy bút, thơ và bút ký của hai vợ chồng tác giả Lê Minh Hà, Dương Thanh Thanh viết về những tâm tư, tình cảm, trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là nỗi hoài niệm về người cha, về xứ Huế thân thương khi về làm dâu ở Vĩnh Long như: Người thích mua hoa chiều ba mươi, Có một nỗi nhớ Huế đằm sâu, trong tôi của tác giả Thanh Thanh, những tình người với nhau khi cô nằm bệnh viện như tác phẩm: chuyện xứ nhà thương,…, Những tình cảm về di tích và thắng cảnh ở Vĩnh Long như Sông nước Đình Khao, Bên dòng Long Hồ, Chuyện về mảnh vỡ súng thần công và hai quả đạn nơi Miếu Công Thần Vĩnh Long,… của tác giả Lê Minh Hà. Đôi khi là những suy tư về những cảnh vật, con người chứa đựng trong tâm hồn đầy nhạy cảm của hai tác giả.


Neo dau hai que_1.jpg


Đọc từng trang sách, ta bắt gặp một Dương Thanh Thanh có trái tim nhân hậu  luôn rung động khi bắt gặp những hoàn cảnh không may như đứa bé trai nhà nghèo đi xin tiền bằng hai tay hay nỗi đau dằn xé khi nghe những đứa con của  phạm nhân kêu gào: “Ba ơi, Ba ơi” khi xe chở tội phạm ngang qua. Ta nhận ra rằng ta cũng đồng cảm nỗi niềm như Cô về sự bất hạnh của những con người đáng thương. Với một trái tim nhạy cảm và sâu lắng, Cô đã liên tưởng đến người con trai bị tật ở chân nhưng anh vẫn lạc quan, nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Anh đã nói với mẹ: “Con đâu có bất hạnh. Con được đi học, con vẽ đẹp, con có ba mẹ, mọi người đều cưng chiều mà…”( Tr. 9). Cô viết: “Tuyệt vời nhất là con đã sống, đã lớn lên, và đang biết tự vượt qua chính mình. Nụ cười của tôi dường như…Mà không, hình như tôi khóc. Vậy là con bé ấy không biến mất. Cái con bé ngày xưa hay khóc, là tôi ấy. Chỉ có điều…bây giờ thì đã là người đàn bà hay khóc mất rồi!...” (Tr. 10) trong tạp bút “Có một cô bé hay khóc, ngày xưa…” (Tr. 7 – 10) cho thấy tác giả là một người có tâm hồn giàu cảm xúc và trái tim dễ rung động trước những hoàn cảnh đáng thương trong cuộc sống.


Neo dau hai que_2.jpg


Chúng ta bắt gặp tình cảm của cô Thanh Thanh đối với mẹ chồng. Trong cảm nhận của cô, mẹ chồng là một người tuy bề ngoài lạnh lùng cùng với nghị lực vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh chồng mất sớm, bà phải nuôi bốn đứa con thơ khôn lớn nhưng bên trong là một người phụ nữ có lòng yêu thương và quan tâm đến cô: “Bà nhẫn nại che chắn cho tôi trước những ánh mắt soi mói, những phiền trách mát mẻ về một cô con dâu thị thành”…Bà khẽ khàng thức dậy trong đêm nấu cho tôi “miếng cháo lót dạ”, trước khi tiếng tù và của chuyến đò khuya vang xa báo hiệu đến giờ tôi đi làm…Nhưng bà vẫn im lặng” (Tr. 44) làm cho cô càng thấu hiểu và thương mẹ chồng trước sự chăm sóc, che chở khi cô về làm dâu nhà chồng. Đối với cô, mẹ chồng như người mẹ thứ hai đã bao năm thầm lặng giúp cô hoàn thiện trong vai trò một người vợ, một người mẹ qua tác phẩm: “ Mẹ và Má” (Tr. 43 – 46)

Có những khi ta gặp trở ngại trong cuộc sống, lúc ấy ta mới cảm nhận được tình người với nhau để vượt qua những khó khăn. Ta bắt gặp điều này qua bài “Chuyện xứ nhà thương” (Tr. 104 – 135) của cô Thanh Thanh với những điều bình dị, đời thường mà cô ghi lại trong lúc nằm bệnh viện. Đọc từng câu trong ấy, ta không khỏi cảm động về nghị lực vượt qua trở ngại để lạc quan mà sống của cô. Cô nằm ở đây chứng kiến những cuộc đời bất hạnh ngày càng nhiều nên cô chọn giữ cách sống vui, tích cực để mà “Cảm ơn người mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày để yêu thương”. Qua bài viết, ta thấy được sự quan tâm, chia sẻ giữa mọi người đối với cô Thanh ở nơi bệnh viện như: sự quan tâm của bác sĩ quàng khăn ở cổ khi cô Thanh ho, sự chăm sóc của các bà cụ ở chung phòng bệnh, hay người nuôi bệnh cùng phòng gửi bịt xoài cho con gái của cô,… “Người bệnh viện rất dễ thân nhau, chỉ chốc lát thôi là mình biết rõ…Ở đây, họ có thể kể nhau nghe cả những điều sâu kín nhất. Có lẽ, vì cái cảm giác cần được sẻ chia, cảm giác đồng bệnh tương lân, cảm giác thoảng qua – sau khi ra viện sẽ không còn ai biết ai…” (Tr. 113 – 114). Ta khâm phục sự lạc quan của cô vẫn nhìn cuộc sống một màu xanh tươi như những bông hoa mà người nuôi bệnh trồng ở hành lang cạnh phòng cô nằm, những đóa hoa đẹp và bình yên như sự hy vọng của cô. “Có một cái vỗ vai rất nhẹ. Cô đừng sợ. Cấp cứu kịp rồi. Không sao đâu…Suốt hơn mười ngày ở bệnh viện, khác với mình thường ngày, mình đã khóc mỗi khi có ai đến thăm, ai đó vỗ về đừng sợ. Có cả giọt nước mắt tủi thân, thương mình tội nghiệp. Nhưng rồi, cũng như giấc mơ. Mình thức dậy rồi. Và mỗi ngày, gắng hơn một chút. Những ngày không buồn ở bệnh viện đã lại trở thành kỷ niệm đẹp…” (Tr. 127), những dòng ấy làm cho ta cảm thấy thương cô làm sao!

Ta bắt gặp trong quyển sách bài viết “Bến sông” (Tr. 207 – 210) của tác giả Lê Minh Hà về những cảnh sinh hoạt đời thường ở bến sông Cái thuộc cù lao An Bình. Nó gắn với tuổi thơ chơi dưới bến sông của những đứa trẻ, nơi có dải đất bồi trồng bần. Vào mùa nước nổi, người dân quay sang săn chuột, giăng lưới bắt cá thu hoạch nhiều vô kể,  đến mùa nước rút thì đàn ông dỡ chà, phụ nữ bắt hến. Và bài viết cho ta thấy được kỹ thuật chà để bắt cá “ Khi bao chà từ đầu chôn chân sâu xuống bùn…Phía trước đầu đống chà đặt một cái đó có đường kính từ sáu đến bảy tấc, cao khoảng thước tám, hai thước. Cá sẽ chui vào đó không thoát ra được” (Tr. 209). Những hình ảnh ấy làm ta thấy được một vùng quê bình dị và hồn hậu nơi chốn yêu thương của tác giả.

Cây gỗ xà cừ và những loại gỗ quý hiếm khác có công dụng cho ta nhà ở, vật dụng nội thất, đặc biệt chống xói lở, chắn bão rất hay, cuộc đời có nhiều bóng mát hơn. Qua bài viết: “Một đời người, một rừng cây…” (Tr. 214 – 216) của tác giả Lê Minh Hà  ta thấy được điều này, những rừng cây gỗ xà cừ do tác giả đem giống về trồng và ước mơ có một rừng cây gỗ để giúp ích cho đời làm cho ta cảm động biết ngần nào!

Quyển sách là những bài bút ký, tạp bút, thơ, chất chứa nhiều điều mà hai tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta với nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Gấp quyển sách vẫn còn đọng trong ta những bồi hồi và lắng đọng về các dòng cảm xúc chân thật, sâu sắc cùng những trải nghiệm trong đời thường mà hai tác giả cảm nhận và ghi lại. Quyển sách để lại trong chúng ta nhiều giá trị ẩn sâu trong cuộc sống giúp ta ngày càng sống có nghị lực, yêu thương nhau hơn với một trái tim luôn rung cảm với đời.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nguồn: Thư viện tỉnh Vĩnh Long  

Tin liên quan

Review Tiểu thuyết "Ngọn cỏ gió đùa" - "Ngọn cỏ" trong "cơn gió" của số phận

Tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa, xuất bản lần đầu năm 1926. Phỏng theo kiệt tác “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo, tác phẩm đã tinh tế vẽ nên bức tranh về những phận người khốn khó, bị cuốn vào vòng xoáy của nghịch cảnh nghiệt ngã giữa lòng nông thôn Nam Bộ. Những con người ấy, như những "ngọn cỏ" mong manh trước gió, tuy chịu đựng bao nghịch cảnh ai oán nhưng vẫn giữ vững những phẩm chất cao đẹp, sáng ngời trong từng hành động và suy nghĩ.
Xem chi tiết