Loading...
 
Thứ Ba, 01/4/2025

Bác Ba Phi – Hiện thân của cá tính Nam Bộ

Trong lịch sử văn hóa Nam Bộ, bác Ba Phi hiện lên như một biểu tượng đặc sắc, một hình ảnh tiêu biểu cho tính cách của người dân vùng đất phương Nam. Không chỉ là nhân vật tiếu lâm, bác còn là người sống trọn vẹn với phẩm chất đặc trưng của con người miền Tây Nam Bộ – nơi sông nước, đồng ruộng mênh mông đã ươm mầm cho những tính cách đầy bản sắc.

Sinh ra từ mảnh đất Cà Mau vào năm 1884, bác Ba Phi thứ thiệt đã tận mắt chứng kiến cảnh "chèo ghe sợ sấu ăn chưn, xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma". Giữa môi trường thiên nhiên đầy thử thách ấy, bác đã tích lũy những trải nghiệm sống để sau này hóa thành những câu chuyện tiếu lâm đầy tính phóng đại, khắc họa sinh động đời sống sông nước miền Tây cũng như phản ánh mối quan hệ gắn bó, thích ứng với thiên nhiên.

Trong những câu chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi, cái "dóc" (như TS Trần Hoàng nhận định) không đơn thuần là sự bịa đặt vô căn cứ, mà là phương thức biểu đạt độc đáo của con người Nam Bộ, tìm kiếm niềm vui trong giai đoạn đầy khắc nghiệt. Như nhà văn Sơn Nam mô tả: "Miền Nam với mưa nắng hai mùa đã người bức, ẩm thấp lại còn là nơi mà muỗi mòng, kiến, mọt mối, rắn rít, đỉa vắt tha hồ sanh sôi nẩy nở." Chính trong môi trường đầy thử thách này, để tồn tại, người dân buộc phải phát triển khả năng thích ứng cao và giữ tinh thần lạc quan, hài hước.

Mặt khác, Bác Ba thường kể chuyện cho trẻ em và những người lạ từ nơi khác đến, không am hiểu rừng U Minh như những người lớn tuổi, điều này cho thấy tính "dóc" còn là phương thức giáo dục, truyền đạt những hiểu biết về quê hương, về thiên nhiên, về cách ứng xử với môi trường xung quanh cho thế hệ trẻ và những người từ nơi khác đến. Chẳng hạn như "Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc" (Trích "Thu hoạch lưỡi nai").

Đất Nam Bộ mênh mông, màu mỡ đã nuôi dưỡng tâm hồn phóng khoáng, hào sảng trong con người bác Ba Phi nói riêng và của những cư dân Nam Bộ nói chung được minh chứng qua vô số câu ca dao, tục ngữ vùng đất Nam Bộ như: "Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu". Sự dễ chịu trong tính cách này là khả năng ứng biến trước hoàn cảnh, một đặc tính sinh tồn cần thiết trên vùng đất mới. Bởi lẽ đó nên qua những câu chuyện của bác Ba Phi, ta luôn thấy được sự sáng tạo để thích ứng của bác ví như chuyện bác Ba rình cách nai ăn để cắm miếng tre ngay đồng cho nai ăn vào sẽ đứt lưỡi, tránh ăn lúa, phá mùa màng.

Thông qua những câu chuyện phóng đại về vùng đất Tây Nam Bộ, ta thấy được niềm tự hào ngợi ca sự phong phú của quê hương – một tình yêu theo cách rất riêng của người nơi đây, không hô hào, không trang trọng, mà gần gũi, dân dã và tếu táo. Dù bác Ba Phi đã ra đi, nhưng tinh thần hài hước, lạc quan của bác vẫn sống mãi trong những câu chuyện kể người dân miền Tây Nam Bộ, vẫn tìm thấy trong đó tiếng cười đầy ý nghĩa về đời sống, về thiên nhiên và về chính bản thân mình. Bác Ba Phi, vì thế, không chỉ là một cá nhân mà còn là biểu tượng sống động về "cá tính Nam Bộ".

Nguồn tham khảo:
Sơn Nam. Cá Tính của Miền Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Trẻ, 2014
Trần Ngọc Thêm. 2008. "Tính Cách Văn Hoá Nam Bộ Như Một Hệ Thống." Bài trình bày tại Hội thảo "Nam Bộ Thời Kỳ Cận Đại," Cần Thơ, ngày 4 tháng 3.

Bác Ba Phi

Tin liên quan

Nguyễn An Ninh: Cuộc đời, tiểu sử và những đóng góp

Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) là một trong những chí sĩ yêu nước tiêu biểu trong lịch sử hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông không chỉ là nhà cách mạng, mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo có tư tưởng tiến bộ, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Xem chi tiết

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Một tư tưởng lớn về hòa hợp, hòa giải dân tộc

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) là một nhà lãnh đạo Nam Bộ kiệt xuất trong thời kỳ Đổi mới.
Xem chi tiết

Trần Văn Giàu - Vị giáo sư "đỏ" của nền sử học Việt Nam

“Hỡi quốc dân! Hỡi tất cả đồng bào tận tâm cứu quốc! Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với hoàn cầu.”
Xem chi tiết

Lương Định Của - Nhà nông học nổi tiếng thế kỷ 20

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên không ai là không biết đến Lương Định Của, người con ưu tú của mảnh đất Đại Ngãi, huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng. Ông được biết đến là một Nhà nông học nổi tiếng và là người đi đầu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Xem chi tiết