Loading...
Thứ Năm, 03/4/2025

Chùa Ngọc Hoàng - Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng không chỉ được biết đến là chốn cầu tự, cầu duyên linh thiêng của bà con nơi đây mà còn sở hữu vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, độc đáo, đồng thời là địa điểm mà mỗi du khách khi đặt chân đến Sài Gòn đều không thể bỏ qua.

Chùa Ngọc Hoàng có tên chữ Hán là Ngọc Hoàng điện 玉皇殿, hay còn gọi là chùa Phước Hải (Phước Hải tự 福海寺) hiện nay tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Ngọc Hoàng ban đầu là một ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, do Lưu Minh (người Quảng Đông, Trung Quốc) pháp danh Đạo Nguyên thành lập. Về thời gian xây dựng chùa, căn cứ vào dòng lạc khoản đề trên biển “Ngọc Hoàng điện” 玉皇殿 trước chùa: 光緒廿六年庚子仲秋吉垃 (Quang Tự trấp lục niên Canh Tý trọng thu cát lập) tức lập vào ngày tốt tháng 8 năm Canh Tý, năm Quang Tự thứ 26, ta có thể xác định thời điểm hoàn thành ngôi chùa là vào năm 1900. Khi mới thành lập, chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa theo đạo Minh sư, thuộc tổ chức của những người Trung Quốc “bài Mãn phục Minh”. Đến năm 1982, kể từ khi một Hòa thượng người Việt Nam đến tiếp quản, chùa Ngọc Hoàng thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau này chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải tự, nhưng bà con vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng.

Ngôi chùa tuy tọa lạc giữa trung tâm thành phố song vẫn giữ được một không khí trang nghiêm kết hợp với không gian thiên nhiên xanh mát, giúp bà con mỗi lần đến chiêm bái đều cảm nhận được phút giây bình yên, thư thái giữa phố thị ồn ào. Có lẽ vì là một ngôi chùa của người Hoa nên họ bảo tồn gần như trọn vẹn những đặc trưng văn hóa của mình, do đó dẫu trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn mang những đặc trưng kiến trúc Trung Hoa với các họa tiết, hoa văn được trang trí rực rỡ, chạm khắc tinh xảo. Toàn bộ kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng được chia làm ba gian, mỗi gian đều mang đậm nét cổ xưa nhưng không kém phần độc đáo. Ngoài thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các vị thần, phật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thông qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư, chùa còn phối thờ nhiều đối tượng thờ tự của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Hoa. Đặc biệt, ngôi chùa còn lưu giữ rất nhiều loại hình di sản Hán Nôm như hoành phi, câu đối, biển ngạch, bài vị và bảng chữ viết bằng chữ Hán.

Chùa Ngọc Hoàng

Song song với những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà công trình kiến trúc này đem lại, chùa Ngọc Hoàng hiện nay còn được nhiều bà con biết đến là một trong những ngôi chùa cầu duyên (khấn và sờ vào tượng Ông Tơ Bà Nguyệt), cầu tự (khẩn cầu với Kim Hoa Thánh Mẫu) nổi tiếng ở nước ta. Với tất cả những giá trị, nét đẹp độc đáo, cổ kính mà chùa Ngọc Hoàng đang lưu giữ, đây hẳn là một điểm đến tâm linh yên bình, để lại dấu ấn khó phai trong lòng bà con nơi đây.

Vì thế nếu có dịp đến với Sài Gòn thương nhớ, hi vọng các bạn sẽ dành chút thời gian dừng chân ghé thăm chùa Ngọc Hoàng - ngôi chùa với bề dày lịch sử hằng trăm năm lưu giữ biết bao giá trị văn hóa đặc sắc.

Tham khảo: Quyển “Theo dấu người xưa” (Phan Mạnh Hùng - Nguyễn Đông Triều), bài viết “Chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo ở thành phố Hồ Chí Minh”

Tin liên quan

Hội quán Tuệ Thành - Dấu ấn văn hóa người Hoa Chợ Lớn

Tuệ Thành hội quán là một trong những hội quán lâu đời nhất của người Hoa Chợ Lớn, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 10, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ bảo lưu những nét đẹp văn hóa xưa của người Trung Quốc mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn của du khách mỗi dịp đến với Sài Gòn.
Xem chi tiết

Hội quán Minh Hương - Dấu ấn văn hóa Việt

Hội quán Minh Hương (hay còn gọi là đình Minh Hương) hiện nay tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 1993, ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Xem chi tiết

Đất Ba Giồng - Giải mã địa danh Ba Giồng

Khi có dịp về lại mảnh đất phương Nam trù phú, bà con sẽ không khó để bắt gặp câu ca ngọt ngào mà êm dịu
Xem chi tiết

Làng hoa Cái Mơn - Cung đường Tết đẹp mê mẩn

Rời thủ phủ hoa kiểng Miền Tây, hãy cùng Thư viện đến với làng hoa Cái Mơn huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng hoa giấy phục vụ Tết ở xã Phú Sơn, nơi đây hoa giấy được trồng quanh năm với nhiều chủng loại, kiểu dáng sắc hoa khác nhau.
Xem chi tiết