Loading...
Thứ Ba, 08/7/2025

Thắng Nghĩa Đường: Nghệ thuật chế tác Lân Sư Rồng thủ công của người Hoa Chợ Lớn

Nghệ thuật múa Lân Sư Rồng không chỉ là một loại hình biểu diễn quen thuộc trong đời sống lễ hội của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn, mà còn là biểu tượng văn hóa tinh thần gắn liền với tín ngưỡng, mỹ cảm và khát vọng về sự cát tường, thịnh vượng của cộng đồng người Hoa và người Việt. Đằng sau mỗi cú lân dũng mãnh là một hành trình chế tác tỉ mỉ, nơi mà mỗi đường cong, mỗi lớp sơn, mỗi mảng giấy bồi đều mang trong mình tinh thần gìn giữ và phát huy một di sản truyền thống.

1. Bốn bước chế tác lân - Từ thanh tre đến linh hồn lễ hội

Quy trình làm nên một con Lân hoàn chỉnh là quá trình kết tinh của thủ công truyền thống, mỹ thuật dân gian và tâm huyết của người nghệ nhân.

Bốn công đoạn chính tạo nên một linh thú hoàn chỉnh gồm:

  • Tạo khung: Sử dụng tre nứa – loại vật liệu dân dã nhưng dẻo dai – người thợ cắt và đan thành từng thanh xương tạo nên bộ khung định hình phần đầu và thân lân. Mỗi đường uốn đều phải chính xác để truyền được thần thái của con Lân: oai vệ mà uyển chuyển.
  • Bồi giấy: Sử dụng giấy bồi Bồi lên cái khung này để trở thành làm hình như là một cái bề ngoài da của con lân.
  • Trang trí: Sau khi phần giấy khô hoàn toàn, nghệ nhân bắt đầu vẽ và phối màu. Đây là công đoạn thể hiện kỹ thuật hội họa truyền thống. Những họa tiết đường vân lửa, râu lân, mày mắt được vẽ bằng tay với sự chính xác cao độ. Mỗi nét vẽ như thổi hồn vào con Lân, tạo nên cá tính riêng biệt.
  • Lắp phụ kiện: Cầu, mắt, râu, miệng, kim cang… là những yếu tố vừa thẩm mỹ, vừa tượng trưng được lắp vào ở công đoạn cuối cùng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa màu sắc, phụ kiện và tỉ lệ cấu trúc là yếu tố quyết định của sản phẩm.

Toàn bộ quy trình này là biểu hiện của mỹ thuật dân gian, không chỉ mang giá trị thị giác mà còn là biểu tượng thiêng liêng – nơi hội tụ của sự khéo léo, tâm linh và bản sắc cộng đồng.

lan-su-rong-2

2. Nghệ thuật là đời sống

Lân truyền thống có hai hình thái chính: Bắc Sư và Nam Sư, trong đó Nam Sư – đặc biệt là dòng Phật Sơn là hình ảnh phổ biến nhất tại Việt Nam.

Lân Phật Sơn truyền thống chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Việt kịch chứ không phải Kinh kịch như nhiều người vẫn lầm tưởng. Việt kịch là loại hình sân khấu Quảng Đông, có lối hóa trang, biểu cảm khuôn mặt đậm nét, mang màu sắc anh hùng và tráng lệ những yếu tố này được chuyển hóa vào nghệ thuật chế tác đầu Lân. Vì thế, những chiếc đầu lân thường mang nét mặt sắc sảo, lông mày rậm, mắt lồi, râu dài – thể hiện uy phong, linh lực của những nhân vật huyền thoại trong văn hóa dân gian.

Lân truyền thống vì vậy không đơn thuần là đạo cụ biểu diễn, mà là sự tiếp nối từ sân khấu đến đời sống – nơi nghệ thuật hóa thân, biểu tượng hóa được chuyển tải từ diễn xuất lên vật thể. Đây chính là một hình thái bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua vật thể hữu hình.

lan-su-rong-5

3. Bắc Sư & Nam Sư

Khác với Nam Sư, hình thái Bắc Sư mang đậm dấu ấn cung đình, được cho là bắt nguồn từ truyền thuyết Ba Tư. Theo đó, người Trung Hoa cổ đại không có sư tử trong tự nhiên đã tiếp nhận hình ảnh loài vật này qua các đoàn sứ giả và nghệ nhân huấn luyện thú từ vùng Ba Tư. Truyền thuyết kể rằng, sau khi một con sư tử được cống nạp qua Trung Quốc vô tình bị làm chết trong cung đình, người ta đã mổ bụng nó, rút hết nội tạng và nhồi lại lớp da để tiếp tục biểu diễn cho vua xem, nhằm tránh bị trừng phạt. Từ đó, hình ảnh con sư tử trong cung đình ra đời là kết tinh của sợ hãi, trí tuệ, và sự biến hóa nghệ thuật. Bắc Sư ra đời từ câu chuyện ấy, mang phong thái trang nghiêm, quý tộc.

Bắc Sư ít thay đổi trong hình thức bởi tính quy chuẩn của nghệ thuật cung đình, nơi mọi thứ đều phải tuân thủ mẫu thức. Màu sắc truyền thống cũng giới hạn – chủ yếu là vàng (biểu tượng hoàng gia), xanh và đỏ (tượng trưng cho âm – dương, đực – cái). Sự ổn định hình thức qua hàng thế kỷ là một minh chứng cho tính "truyền thừa" đặc trưng của nghệ thuật hoàng tộc.

lan-su-rong-15

4. Bảo tồn và phát huy - Di sản không nằm ngủ yên

Từ chế tác đến biểu diễn, từ truyền thuyết đến nghệ thuật, Lân Sư Rồng không chỉ là sản phẩm lễ hội mà là một thực thể văn hóa sống động. Việc tái dựng quy trình chế tác, tìm hiểu xuất xứ và định danh rõ các dòng lân truyền thống không chỉ là hành vi bảo tồn di sản mà còn là cách để thế hệ trẻ hiểu và tiếp nối một cách có ý thức.

Năm 1979, việc thành lập Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường, mang theo tinh thần "Nghĩa bức hậu nhân" – “Làm việc nghĩa phải hơn người, làm việc nghĩa phải trước người” là minh chứng cho sự kế tục trong đạo lý lẫn kỹ nghệ. Đó không chỉ là nơi biểu diễn, mà còn là nơi rèn tâm – luyện tay – giữ đạo nghề.

lan-su-rong-10

Hơn bao giờ hết, trong kỷ nguyên hiện đại hóa, toàn cầu hóa, di sản Lân Sư Rồng cần được bảo tồn bằng tri thức, phát huy bằng đổi mới có chọn lọc, để mỗi lần Lân múa, ta không chỉ nghe tiếng trống vang, mà còn cảm được tiếng vọng ngàn đời của một nền văn hóa không lùi bước.

--

Nội dung: Bảo Trân

Hình ảnh: Nhật Thịnh, Khả Hy

Tin liên quan

Hội quán Tuệ Thành - Dấu ấn văn hóa người Hoa Chợ Lớn

Tuệ Thành hội quán là một trong những hội quán lâu đời nhất của người Hoa Chợ Lớn, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 10, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ bảo lưu những nét đẹp văn hóa xưa của người Trung Quốc mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn của du khách mỗi dịp đến với Sài Gòn.
Xem chi tiết

Hội quán Minh Hương - Dấu ấn văn hóa Việt

Hội quán Minh Hương (hay còn gọi là đình Minh Hương) hiện nay tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 1993, ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Xem chi tiết

Chùa Ngọc Hoàng - Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng không chỉ được biết đến là chốn cầu tự, cầu duyên linh thiêng của bà con nơi đây mà còn sở hữu vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, độc đáo, đồng thời là địa điểm mà mỗi du khách khi đặt chân đến Sài Gòn đều không thể bỏ qua.
Xem chi tiết

Đất Ba Giồng - Giải mã địa danh Ba Giồng

Khi có dịp về lại mảnh đất phương Nam trù phú, bà con sẽ không khó để bắt gặp câu ca ngọt ngào mà êm dịu
Xem chi tiết