Loading...
Thứ Hai, 14/4/2025

Hội quán Minh Hương - Dấu ấn văn hóa Việt

Hội quán Minh Hương (hay còn gọi là đình Minh Hương) hiện nay tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 1993, ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Đình Minh Hương trước kia là nơi làm việc của người dân làng Minh Hương, một làng do Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập từ năm 1698. Đến niên hiệu Minh Mạng năm thứ 20 (1839), trên cơ sở của nhà làm việc, nhân dân làng Minh Hương đã xây dựng đình Minh Hương. Từ năm 1867, người Minh Hương xin phép chính quyền đương thời lập hội Minh Hương để tiến hành thờ cúng tín ngưỡng như những hội quán khác của người Hoa, sau khi ngôi đình này được sáp nhập vào cơ cấu hành chính của Sài Gòn - Chợ Lớn. Các nhân vật được thờ ở đình Minh Hương là hậu duệ của các di thần nhà Minh, cũng là các quan lại Minh Hương nổi tiếng ở Việt Nam. Đặc biệt, vị thần được thờ chính ở đình là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) một danh tướng người Việt Nam thời chúa Nguyễn Phúc Chu có công khai phá vùng Đông Phố (Sài Gòn), đồng thời ông cũng có công lập ra xã Minh Hương ở Phiên Trấn vào năm 1698.

Đình Minh Hương là bằng chứng lịch sử khá quan trọng đánh dấu quá trình định cư của cộng đồng Hoa kiều trên đất Nam Bộ. Đồng thời nó còn ghi dấu quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt của người Hoa ở Việt Nam. Nếu hội quán người Hoa thường là nơi hội họp của cộng đồng người Hoa kiều thuộc từng nhóm ngôn ngữ khác nhau, hoặc là nơi thờ tự những vị thần trong tín ngưỡng của họ, thì đình Minh Hương lại được xây dựng như một ngôi đình truyền thống ở Việt Nam, là nơi thờ danh tướng Việt Nam và những bậc tiền bối người Minh Hương có công khai khẩn lập làng, quy thuận triều đình phong kiến Việt Nam.

Tuy đình Minh Hương là công trình của người Hoa nhưng lại tiếp thu lối xây dựng của người Việt Nam Bộ nên nhà có chiều cao khá thấp, trong khi toàn bộ công trình được xây dựng trên một nền cao. Về kiến trúc, đình Minh Hương được xây dựng dựa trên mô thức một ngôi đình truyền thống Nam Bộ kết hợp với những nét kiến trúc mỹ thuật riêng của cư dân Hoa kiều tạo nên một nét khác biệt mà nhiều hội quán khác của người Minh Hương không có. Về mỹ thuật, đình Minh Hương không đi vào những chi tiết cầu kỳ như các hội quán khác. Các cột gỗ không sơn thếp mà mộc mạc đơn sơ một màu nâu đơn thuần của gỗ.
Đình Minh Hương hiện nay lưu giữ rất nhiều các tư liệu Hán Nôm, bao gồm 2 văn bia, 25 bức hoành phi, 29 câu đối và bài thơ Giã mẹ bằng chữ Nôm của Trịnh Hoài Đức làm trước khi đi sứ. Trong số đó, bức hoành phi có giá trị nhất là bức 善俗可風 Thiện tục khả phong (Tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban tặng cho làng Minh Hương năm 1864, góc trên bên phải có đề 2 chữ 勅賜 “sắc tứ”.

Hội quán Minh Hương

Nếu có niềm yêu thích đặc biệt về văn hóa, kiến trúc đình cổ Nam Bộ cũng như mong muốn tìm hiểu về các tư liệu Hán Nôm, hy vọng bà con có thể dành chút thời gian đến thăm quan cũng như khám phá những dấu ấn văn hóa đặc sắc được lưu giữ tại Hội quán Minh Hương.

Tham khảo: Tạp chí “Xưa và nay”, số 459, tháng 05 năm 2015

Tin liên quan

Hội quán Tuệ Thành - Dấu ấn văn hóa người Hoa Chợ Lớn

Tuệ Thành hội quán là một trong những hội quán lâu đời nhất của người Hoa Chợ Lớn, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 10, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ bảo lưu những nét đẹp văn hóa xưa của người Trung Quốc mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn của du khách mỗi dịp đến với Sài Gòn.
Xem chi tiết

Chùa Ngọc Hoàng - Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng không chỉ được biết đến là chốn cầu tự, cầu duyên linh thiêng của bà con nơi đây mà còn sở hữu vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, độc đáo, đồng thời là địa điểm mà mỗi du khách khi đặt chân đến Sài Gòn đều không thể bỏ qua.
Xem chi tiết

Đất Ba Giồng - Giải mã địa danh Ba Giồng

Khi có dịp về lại mảnh đất phương Nam trù phú, bà con sẽ không khó để bắt gặp câu ca ngọt ngào mà êm dịu
Xem chi tiết

Làng hoa Cái Mơn - Cung đường Tết đẹp mê mẩn

Rời thủ phủ hoa kiểng Miền Tây, hãy cùng Thư viện đến với làng hoa Cái Mơn huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng hoa giấy phục vụ Tết ở xã Phú Sơn, nơi đây hoa giấy được trồng quanh năm với nhiều chủng loại, kiểu dáng sắc hoa khác nhau.
Xem chi tiết