Loading...
Thứ Bảy, 20/4/2024

Mỹ Tho đại phố - Vùng đất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp

Mỹ Tho là một thành phố thuộc tỉnh Tiền Giang, nằm chếch về phía Đông Nam. Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Chợ Gạo, phía Nam giáp sông Tiền và tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp huyện Châu Thành.

Đầu thế kỷ XVI, lưu dân người Việt từ Trung bộ, Bắc bộ đã đến Mỹ Tho khẩn đất và tiến hành sản xuất nông nghiệp. Vào vùng đất mới, người đi khai hoang gặp những thuận lợi rất cơ bản như khí hậu điều hòa, quanh năm không có bão lụt, mặt đất bằng phẳng với những sông rạch chằng chịt mang lại cá tôm, nước tưới phù sa màu mỡ và thuận tiện cho việc giao lưu... Tuy nhiên, cũng trong buổi đầu, cư dân gặp không ít khó khăn: rừng rậm hoang hiểm, ác thú đầy rẫy, một số nơi bị nhiễm mặn, nhiễm phèn….thế nhưng, bằng sức lao động quả cảm, cần cù, sáng tạo, cuộc sống của cư dân người Việt ở Mỹ Tho lần hồi đi vào ổn định.

Đầu năm 1679, Mỹ Tho lại tiếp nhận thêm một số di sản mới. Đó là một nhóm người Hoa, do Dương Ngạn Địch chỉ huy, chống đối nhà Thanh - vương triều ngoại tộc thống trị Trung Hoa - chạy sang Phú Xuân - Đàng Trong, và được chúa Nguyễn cử tướng dẫn vào định cư ở Mỹ Tho. Điều này thể hiện tấm lòng nhân đạo, hào hiệp của nhân dân ta trong việc cưu mang, giúp đỡ dân tộc láng giềng khi họ gặp hoạn nạn.

Tại Mỹ Tho, nhóm người Hoa này chủ yếu làm nghề buôn bán và cùng với người Việt chiếm đa số chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương mới. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XVII, Mỹ Tho trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở toàn Nam bộ hồi đó, với "chợ phố lớn Mỹ Tho, có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo". Ngoài thương thuyền trong nước đến buôn bán ở chợ phố lớn Mỹ Tho có thể còn có "thương thuyền của người Trung Hoa, người Tây Dương, người Nhật Bản và người Chà Và" đến giao dịch. Sự hưng thịnh của chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa ở địa phương đã có những bước phát triển đáng kể. Nông sản không chỉ đủ dùng cho dân cư Mỹ Tho mà còn dư ra với số lượng lớn, trở thành hàng hóa được buôn bán trên thị trường. Đồng thời, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp ở những nơi khác cũng được đưa tới chợ Mỹ Tho để tiêu thụ, tạo nên sự phong phú về chủng loại hàng hóa tại đây. Chính điều đó đã tác động tích cực đến đời sống của nhân dân Mỹ Tho.

Mỹ Tho đại phố

Chợ Mỹ Tho được thiết lập ở ngã ba sông: sông Mỹ Tho giao dòng với kênh Bảo Định, tạo nên sự thuận lợi to lớn trong việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa từ Mỹ Tho đi các địa phương khác và ngược lại. Do chợ Mỹ Tho đã nổi lên như một trung tâm kinh tế - thương mại sầm uất, nên năm 1781, chúa Nguyễn cho dời lỵ sở của dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định (nay thuộc Tân Lý - Tần Hiệp, huyện Châu Thành) về thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho (tức khu vực chợ Cũ, thuộc phường 2, phường 8, TP. Mỹ Tho ngày nay). Kể từ đó, Mỹ Tho đã trở thành trung tâm chính trị của dinh Trấn Định - một trong năm dinh của Nam bộ lúc đó. Nhờ thế, Mỹ Tho càng có điều kiện để phát triển khả năng kinh tế vốn đã phồn thịnh của mình. Thế nhưng, đến năm 1785, do quân Xiêm tràn sang, Mỹ Tho biến thành bãi chiến trường, chợ phổ lớn Mỹ Tho bị tàn phá, trở nên tiêu điều. Thương nhân ở đây hầu hết chuyển lên làm ăn ở Sài Gòn - Bến Nghé.

Vì thế, năm 1778, mặc dù được khôi phục dần, chợ phố lớn Mỹ Tho không còn nhộn nhịp như trước, chấm dứt một thời thịnh đạt của một trong những chợ được xem là thành lập sớm nhất ở Nam bộ.

Tài liệu tham khảo: Nam Bộ Xưa & Nay - Nguyễn Phúc Nghiệp

Tin liên quan

Hội quán Tuệ Thành - Dấu ấn văn hóa người Hoa Chợ Lớn

Tuệ Thành hội quán là một trong những hội quán lâu đời nhất của người Hoa Chợ Lớn, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 10, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ bảo lưu những nét đẹp văn hóa xưa của người Trung Quốc mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn của du khách mỗi dịp đến với Sài Gòn.
Xem chi tiết

Hội quán Minh Hương - Dấu ấn văn hóa Việt

Hội quán Minh Hương (hay còn gọi là đình Minh Hương) hiện nay tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 1993, ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Xem chi tiết

Chùa Ngọc Hoàng - Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng không chỉ được biết đến là chốn cầu tự, cầu duyên linh thiêng của bà con nơi đây mà còn sở hữu vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, độc đáo, đồng thời là địa điểm mà mỗi du khách khi đặt chân đến Sài Gòn đều không thể bỏ qua.
Xem chi tiết

Đất Ba Giồng - Giải mã địa danh Ba Giồng

Khi có dịp về lại mảnh đất phương Nam trù phú, bà con sẽ không khó để bắt gặp câu ca ngọt ngào mà êm dịu
Xem chi tiết